Niềm vui tăng lương xen lẫn nỗi lo tăng giá
Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 02/07/2023
Vừa mừng vừa lo khi lương tăng
Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Theo đó, từ ngày 01/7, áp dụng mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Nội vụ, nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm trong năm 2023 khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Việc tăng lương cơ sở được thực hiện theo nguyên tắc “bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Giới chuyên gia đánh giá, so với 12 lần điều chỉnh trước đó, đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng tuyệt đối lên tới 310 nghìn, tăng 20,8%, trong khi đó, những năm trước, mức tăng chỉ dao động từ 60 - 200 nghìn đồng. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì công nhân, viên chức sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400 nghìn đồng cho tới hơn 2 triệu đồng/1 tháng.
Theo quy định trên, từ tháng 7 này, lương của chị Nguyễn Thị Thu Ngân - viên chức y tế huyện Quốc Oai, Hà Nội tăng gần 600 nghìn đồng. Với mức tăng này, tổng thu nhập hằng tháng của chị cũng được hơn 6 triệu đồng.
“Tăng lương là niềm vui rất lớn với những người chỉ trông chờ vào tiền lương hằng tháng như chúng tôi. Thế nhưng, lo nhất là lương tăng thì giá tiêu dùng, giá dịch vụ cũng tăng theo. Trước đó, chưa tăng lương nhưng giá điện, giá nước sinh hoạt đã tăng, kéo theo giá nhu yếu phẩm cũng tăng.” - chị Ngân giãi bày.
Thực tế, kết quả phân tích cho thấy, khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì điều này sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2023 khoảng 0,54%.
Trước đó, Tổng cục Thống kê đã dự báo CPI năm 2023 (khi chưa có phương án điều chỉnh tiền lương) tăng khoảng từ 4 - 4,5% so với năm 2022. Khi điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 01/7/2023, chỉ số CPI năm 2023 sẽ tăng từ 4,5 - 5%.
Đẩy nhanh cải cách tiền lương
Theo giới chuyên gia, việc tăng lương cơ sở lần này có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi các cơ quan nhà nước vì mức lương quá thấp không đủ sống.
Bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng, tăng lương là điều đáng mừng, nhưng tăng lương phải tính tới việc kìm giá. Lịch sử ghi nhận câu chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá. Thậm chí đôi khi, lương chưa tăng, giá cả đã tăng.
“Nói đúng ra, không hẳn là tăng lương, tăng giá mà do lạm phát nên giá cả tăng. Vì thế, giá tăng đâu có đợi lương, nên nói tăng lương tăng giá cũng chưa hẳn đúng, mà phải nói điều chỉnh tiền lương bù trượt giá” - bà Hương nêu quan điểm, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động.
Cũng theo bà Nguyễn Lan Hương, cần thực hiện cải cách tiền lương ở khu vực công. Đưa tiền lương về đúng giá trị thực, cắt giảm các khoản phụ cấp không cần thiết, trả lương theo vị trí việc làm… là những việc cần làm để tăng nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
Thực tế, Nghị quyết 27 đặt mục tiêu, tới năm 2021, phải cải cách xong tiền lương, tức là năm 2020 phải điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm lộ trình này bị chậm lại.
Liên quan đến câu chuyên “tăng lương không đuổi kịp giá”, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, dù chúng ta đã tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng nhưng để tạo động lực xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả, tốc độ cải cách chính sách tiền lương cần được đẩy nhanh. Đây chính là giải pháp để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường.
Theo ông Doãn Mậu Diệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết 27) hết sức quan trọng. Nghị quyết 27 nói rõ là tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ và lương phải chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp... Đồng thời, trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý, phụ cấp chức vụ.
Do đó, để cải cách tiền lương đạt được hiệu quả, trước hết phải tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách, tinh giảm biên chế. “Khi bộ máy tinh gọn, nguồn lực dù có hạn chúng ta cũng đủ nguồn để tiến hành cải cách tiền lương” - ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh./.