Bộ Y tế tích cực xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Xã hội - Ngày đăng : 20:02, 01/07/2023

(BKTO) - Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.
qc-hoi-nghi.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 cho biết, theo nhiệm vụ được phân công về nội dung lĩnh vực y tế được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025, đối với CTMTQG về giảm nghèo bền vững, Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.

Tại CTMTQG nông thôn mới, Bộ Y tế được giao hướng dẫn thực hiện Nội dung 08 thuộc thành phần số 02: Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; Nội dung 02 thuộc thành phần số 05: Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng, chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Nội dung 06 thuộc thành phần số 07: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cải thiện vệ sinh hộ gia đình;

Với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Y tế được giao đầu mối triển khai thực hiện 02 dự án, tiểu dự án, gồm: Nội dung 2: đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc tiểu dự án 2, dự án 3; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay sau khi các Chương trình được phê duyệt, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG; đồng thời xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện tiểu dự án, dự án thuộc lĩnh vực y tế được phân công.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và các Bộ, cơ quan Trung ương đã rất quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các chương trình.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau (kinh phí giao muộn, xây dựng cơ chế chính sách, mục tiêu chỉ tiêu nhiều, nhân lực thực hiện tại các tuyến còn hạn chế...) nên kết quả đạt được còn hạn chế cả về mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn và tỷ lệ giải ngân.

Báo cáo tóm tắt một số kết quả sau 03 năm thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 (nội dung liên quan thuộc lĩnh vực y tế), PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - cho biết, việc triển khai thực hiện các CTMTQG đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tiêu biểu như: tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 90,85% năm 2020 lên 92,03% năm 2022; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2022; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) giảm từ 19,5% năm 2020 xuống 19,2% năm 2022...; tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện…

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án, tiểu dự án tại địa phương; đề xuất phương hướng thực hiện nội dung lĩnh vực y tế thuộc các CTMTQG giai đoạn 2023-2025.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt các CTMTQG nội dung thuộc lĩnh vực y tế, UBND tỉnh, thành phố cần tập trung một số nhiệm vụ như thường xuyên rà soát và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp để bảo đảm hoạt động.

Đối với 3 cơ quan đầu mối của 3 Chương trình tại địa phương (Văn phòng Điều phối) cần lựa chọn cán bộ có năng lực để triển khai thực hiện; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách, theo dõi huyện, xã để gắn trách nhiệm, đôn đốc thực hiện./.

Đ. KHOA - PHƯƠNG THẢO