Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 15:53, 03/07/2023

(BKTO) - Sau hơn 30 năm tổ chức triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã khẳng định được giá trị to lớn, thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh cho khoảng trên 92% dân số.
bhyt.jpg
Chính sách bảo hiểm y tế cần được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: chinhphu.vn

Trong bối cảnh tình hình mới, để việc thực hiện chính sách BHYT hiệu quả và bền vững hơn thì việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách là một yêu cầu bức thiết.

Nhiều lợi ích thiết thực…

BHYT là chế độ bảo hiểm của Đảng và Nhà nước nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận.

Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau bệnh tật.

Chính sách BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người chẳng may bị ốm đau bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, với tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHYT hộ gia đình, người dân khi tham gia sẽ được những lợi ích như: được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, bệnh tật; được giảm trừ một phần mức đóng cho các thành viên khi tham gia BHYT theo hộ gia đình; được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào tháng đầu của mỗi quý...

Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2022, cả nước đã có 151,38 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 30 triệu lượt so với năm 2021 (tương ứng khoảng 16%). Số chi KCB BHYT trên cả nước là hơn 106.732 tỷ đồng, tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng khoảng 18,3%).

Ngay trong quý I/2023, cả nước có 40,3 triệu lượt KCB BHYT, tăng 45,4%; số tiền đề nghị thanh toán BHYT là 26.840 tỷ đồng, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2022, toàn quốc có 64 người bệnh được Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB từ 1 tỷ đồng/bệnh nhân trở lên. Trong quý I/2023, có 99 trường hợp được Quỹ BHYT chi trả từ trên 500 triệu đồng/bệnh nhân trở lên, trong đó có 8 trường hợp được chi trả từ trên 1 tỷ đồng/bệnh nhân trở lên.

Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHXH, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT.

Ngành đã chủ động phối hợp với các Sở Y tế để đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế, tập trung tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…, qua đó đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân; phối hợp tích cực với Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc về chi phí KCB BHYT (nhất là các vấn đề có nguyên nhân do cơ chế chính sách).

Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, ngăn chặn các hành vi trục lợi, bảo đảm sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

Giải quyết những thách thức trong thực hiện chính sách

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện chính sách, có thể thấy, hiếm quốc gia nào đạt tốc độ phát triển BHYT như Việt Nam. Từ năm đầu tiên triển khai chính sách (năm 1992) đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 92% dân số với trên 91,04 triệu người tham gia.

Kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam cũng là minh chứng cho thấy nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của chính sách BHYT ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, để bao phủ BHYT đến 8% dân số còn lại là việc không dễ dàng, cùng với đó là áp lực cân đối, bảo toàn Quỹ BHYT hằng năm; hài hòa giữa quyền lợi KCB của người dân và nguồn lực của các cơ sở y tế...

Đây là những thách thức đã và đang đặt ra trong lộ trình hướng đến BHYT toàn dân, nhất là trong bối cảnh số người tham gia BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động có xu hưởng giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; các doanh nghiệp không có đơn hàng mới, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Đồng thời, có khoảng 450.000 người thoát nghèo, 455.000 người thoát cận nghèo không còn thuộc diện được ngân sách nhà nước đóng/hỗ trợ đóng BHYT.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT đến toàn dân, đồng thời nỗ lực đổi mới, hiện đại hóa công tác giám định BHYT. Tuy nhiên, đòi hỏi cấp thiết đặt ra là Luật BHYT phải tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHYT đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng, thông lệ quốc tế hiện nay.

Theo đó sẽ cố gắng nghiên cứu thấu đáo các nội dung, vấn đề mới; đưa ra các đánh giá cụ thể, dự báo, lường trước các tác động thực tế (bao gồm cả định tính và định lượng), trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng các quy định bảo đảm tính khoa học chặt chẽ, phù hợp.

“Từ góc nhìn của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam rất mong muốn Luật BHYT (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế thực hiện BHYT bền vững hơn, tạo thuận lợi cho công tác phát triển đối tượng, đảm bảo mục tiêu BHYT toàn dân ổn định, hạn chế sự thay đổi chính sách mang tính “giật cục” - ông Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm nâng cao quyền lợi BHYT cho người dân, nhưng cũng cần tính đến nguồn lực của Quỹ BHYT. Theo đó, cần tối ưu hóa quyền lợi của người tham gia phù hợp với mức đóng, đảm bảo an toàn Quỹ trong dài hạn; xây dựng mức đóng tương xứng với quyền lợi hưởng.

Đồng thời, ngành y tế cần tiếp tục có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ nâng cao hơn nữa chất lượng KCB, đảm bảo ngày một tốt hơn quyền lợi BHYT của người tham gia.

Các vấn đề liên quan đến giám định BHYT, phương thức thanh toán BHYT phù hợp với thông lệ các nước... cũng đã được BHXH Việt Nam đề xuất, góp ý, hoàn thiện Luật để đảm bảo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện BHYT trong giai đoạn tiếp theo.

BHXH Việt Nam cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân tại địa phương; có cơ chế huy động ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm đối tượng người cận nghèo, HSSV, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp...; chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại địa phương. Đây là những yếu tố quyết định thành công của chính sách BHYT.

Đ. KHOA