Giải bài toán thiếu thuốc hiếm của ngành Y
Xã hội - Ngày đăng : 16:10, 04/07/2023
Khó khăn về nguồn cung
Thời điểm này, khu vực miền Nam ghi nhận số ca mắc tay chân miệng gia tăng cao, trong đó, đối với các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng cần được chỉ định Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG), nhằm giảm tỷ lệ chuyển độ và biến chứng nặng của bệnh.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương không chủ động được nguồn thuốc IVIG. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống y tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Khác với các loại thuốc khác, IVIG được điều chế trực tiếp từ huyết tương người, nên việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp huyết tương thông qua hiến máu. Do đó, việc tăng đột biến nhu cầu về số lượng thuốc sẽ gây khó khăn về cung ứng hơn so với các loại thuốc khác.
Tại Việt Nam, đến nay chế phẩm IVIG chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trong 2 năm qua, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước đó, một số trường hợp bị ngộ độc Botulinum tại TP.Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn trong điều trị do nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này trên thế giới rất hiếm.
Lo lắng về tình trạng này, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị phải có giải pháp hiệu quả để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm và chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, trong đó có các loại thuốc hiếm.
Lý giải về những khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, để giúp các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế (Danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có).
Tuy nhiên, hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.
Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).
Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.
Bố trí ngân sách để dự trù thuốc hiếm
Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc hiếm cho điều trị, ông Lê Việt Dũng cho hay, hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.
Bộ Y tế cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất và Chính phủ đã đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung này.
Theo đó, Bộ Y tế dự kiến đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính như bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám, chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước; số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15-20 loại.
“Cục Quản lý dược cũng đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO” - ông Dũng thông tin.
Giải pháp tiếp theo cũng được Bộ Y tế tính đến là cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Về công tác đấu thầu mua sắm thuốc hiếm, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua đã quy định: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”.
Theo các đại biểu Quốc hội, đối với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp (do số lượng ít, không hấp dẫn các nhà cung cấp).
Do vậy, việc áp dụng mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.