Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6-6,5%

Kinh tế - Ngày đăng : 22:03, 05/07/2023

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng với mức tăng dự kiến đạt 6-6,5%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cũng như phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực và tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi…
2.jpg
GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,13%. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp tác động mạnh đến GDP

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới cũng có những tác động không nhỏ, song kinh tế - xã hội đất nước đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung trong nửa năm đầu 2023, tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế quý II tuy tích cực hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn nhiều so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,2%.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng chỉ tăng 1,13% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7%) đã tác động mạnh đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu NSNN.

Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn bất cập. Tình hình lao động, việc làm còn nhiều thách thức.

Tình trạng thiếu điện, cắt điện tuy đã cơ bản được khắc phục nhưng vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng còn nhiều bất cập, cần được xử lý triệt để, tránh để ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Tuy nhiên, nhìn chung, kinh tế vĩ mô 6 tháng cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán… dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước.

Điều đó cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, bối cảnh thế giới và tình hình trong nước dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tạo áp lực lớn lên điều hành tăng trưởng những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ rõ một số yếu tố sẽ thuận lợi hơn trong nửa cuối năm 2023. Đáng chú ý là các doanh nghiệp, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới; nhiều giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ... đã được triển khai và sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8-8,9%

Căn cứ vào nhiệm vụ, mục tiêu được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.

Với Kịch bản 1, tăng trưởng năm 2023 dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Như vậy, tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 8%.

Với Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Như vậy, tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình khó có thể chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành và tiếp tục có các giải pháp mới, chủ động, quyết liệt để củng cố, đẩy nhanh hơn nữa xu hướng phục hồi của nền kinh tế; củng cố niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ngành, địa phương.

Đặc biệt, cần tháo gỡ kịp thời, thực chất, hiệu quả vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, nhất là những vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư quy mô lớn; sớm đưa vào vận hành các dự án lớn, có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp và năng lượng.

Đồng thời, cần phát huy tối đa tài sản, nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty để đẩy mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chính, bao gồm cả các dự án trong ngắn hạn và dài hạn nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu cho cả nước.

Hơn nữa, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình hạ tầng lớn, quan trọng quốc gia để sớm đưa vào khai thác, vận hành, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, các vùng, địa phương…

PHÚC KHANG