Nâng cao cơ hội thụ hưởng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xã hội - Ngày đăng : 15:53, 05/07/2023

(BKTO) - Ngày 03/7, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025.
08252977_7.4-soket-01_23-07-04.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh  điều hành hội nghị. Ảnh: Ủy ban Dân tộc

Hiện nay, phần đông người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán. 

Thời gian qua, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần rất lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chương trình đã tập trung đầu tư phát triển các hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh ở vùng địa bàn đặc biệt khó khăn.

Cùng với chương trình của Trung ương, các địa phương đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế phục vụ chuyển đổi sản xuất… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, do vốn Chương trình phân bổ chậm nên việc giải ngân chậm, khó khăn. Nhu cầu nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn nhưng việc lồng ghép các nguồn lực tại địa phương còn hạn chế do các quy chế chưa cụ thể, rõ ràng. Các địa phương gặp khó trong giải quyết hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vì nhiều địa phương không có quỹ đất công…

Giai đoạn 2021-2023, các tỉnh, thành phố phía Nam được phân bổ hơn 2.700 tỷ đồng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719. Đến tháng 5/2023, các địa phương đã giải ngân hơn 700 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 25%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Chương trình MTQG 1719 đã được các cơ quan Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm để hoàn thiện hệ thống thể chế, đồng thời triển khai các dự án của Chương trình một cách hiệu quả nhất.

Trong khi chờ Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi các quy định phù hợp thực tiễn, Ủy ban Dân tộc tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.

Còn UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo kế hoạch thực hiện chương trình trong năm 2023, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn năm 2022 chuyển sang.

Các cấp, ngành tăng cường phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng hiệu quả trong thực hiện Chương trình. 

Đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu ý nghĩa của Chương trình này trong phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn để người dân cùng tham gia xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

N.LỘC