Nhiều lỗ hổng trong quản lý các dự án NGO của Ấn Độ

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 13:35, 28/01/2016

(BKTO) - Chính quyền của Thủ tướng NarendraModi đang tiến hành những bước đi cần thiết trong việc hạn chế các dự án tronglĩnh vực giáo dục và y tế tại vùng sâu, vùng xa của các Tổ chức phi chính phủ (NGOs),sau khi cuộc kiểm toán do Vayam Tech - một cơ quan kiểm toán độc lập tiến hànhđã hé lộ những sai phạm nghiêm trọng tại hầu hết các dự án NGOs trên toàn lãnhthổ Ấn Độ.



Chính phủ Ấn Độ đang tiếp cận gần hơn với người dân thông qua các chương trình phổ cập giáo dục và y tế. Ảnh: TK

Cuộc kiểm toán được triển khai thực hiện trong vòng 3 năm đối với hơn 500 dự án của các NGOs hiện đang hoạt động tại Ấn Độ do Bộ Các vấn đề bộ tộc của Ấn Độ cấp tài chính. Bản báo cáo của Vayam Tech phát hành hồi giữa tháng 01/2016, đã khuyến nghị việc ngừng hoạt động ít nhất 29 dự án tại các bang: Odisha, Assam, UP, Jharkhand, Andhra Pradesh và Telangana.

Trong báo cáo dài hơn 1.000 trang, Vayam Tech đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan như: nhiều NGOs đã sử dụng các khoản tài trợ để vận hành các trung tâm y tế và tính phí đối với người nghèo thay vì cung cấp dịch vụ khám và điều trị bệnh miễn phí cho họ; các trung tâm dạy nghề và cơ sở đào tạo nghề tại nhiều vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên và cán bộ quản lý; nhiều trường học cho trẻ em ở các vùng xa xôi hẻo lánh không có nhà vệ sinh, khu bán trú lụp xụp và không gian sinh hoạt bị hạn chế. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ trích những sai phạm nghiêm trọng tại nhiều trường học mà nhiều NGOs tài trợ thông qua việc cung cấp đồng phục cho học sinh. Học sinh tại các trường bản chỉ được cấp 2 bộ đồng phục trong khi các Tổ chức này kêu gọi quyên góp tiền cấp được 3 bộ.

Sau khi các phát hiện này được công khai, Bộ Các vấn đề bộ tộc đã quyết định ngừng cấp phép các dự án mới cho các NGOs trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Bộ này hiện đã sửa đổi các chỉ dẫn nhằm hạn chế hoạt động của các NGOs trong các dự án về giáo dục và y tế tại vùng sâu, vùng xa, bao gồm việc mở các trung tâm đào tạo, trung tâm dạy nghề và trường học. Song vấn đề đặt ra đối với Chính phủ Ấn Độ là làm thế nào để vận hành tốt hệ thống giáo dục, y tế mà không có sự tham gia của các NGOs?

Bộ trưởng Bộ Các vấn đề bộ tộc Ấn Độ Jual Oram cho biết, Bộ đang trong quá trình xem xét các khuyến nghị mà đơn vị kiểm toán độc lập này đưa ra, đặc biệt là khuyến nghị ngừng hoạt động của 29 dự án. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã cử các cán bộ chuyên trách thực hiện các chuyến thực địa để thẩm định những thông tin và dữ liệu báo cáo.

Hiện nay, tại Ấn Độ có 2 triệu NGOs, trong đó có 38.436 tổ chức được đăng ký với Chính phủ liên bang. Trong số này có 21.508 tổ chức nhận được sự đóng góp từ nước ngoài. Cho tới nay, chính quyền Ấn Độ đã thu hồi giấy phép hoạt động của 4.300 nhóm tổ chức. Hồi năm 2003 chính quyền nước này đã đưa hơn 800 NGOs vào danh sách đen. Những tổ chức này lọt vào tầm ngắm của Bộ Nội vụ Ấn Độ do bị tình nghi có liên quan đến các nhóm ly khai. Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Ấn Độ phải rất vất vả mới có thể kiểm soát và ngăn ngừa những tổ chức này tài trợ cho các nhóm ly khai. NGOs thường là tổ chức của những cộng đồng thiểu số và tôn giáo, nên mỗi hành động mạnh mẽ từ Chính phủ có thể sẽ gây nên một làn sóng bạo lực.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, những nhu cầu chưa được đáp ứng về giáo dục và y tế của Ấn Độ là rất lớn. Vì thế, thay vì đóng băng hoạt động của các NGOs, Chính phủ Ấn Độ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu áp dụng một khung giám sát và trách nhiệm giải trình nghiêm ngặt cho những NGOs có mối quan tâm nghiêm túc có thể tiếp tục hoạt động để tham gia giải quyết những nhu cầu về giáo dục và y tế này, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Khung giám sát này ràng buộc các NGOs theo các quy định của hệ thống giáo dục và y tế quốc gia nhằm đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ và mọi nỗ lực phải hướng tới một mục tiêu chung nhất.

NGỌC QUỲNH
(Theo Indian Times và BBC)