Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và vai trò của KTNN
Đối nội - Ngày đăng : 18:31, 19/07/2018
(BKTO) - Tại Hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do KTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức sáng 19/7, tại Hà Nội, các đại biểu đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng để làm rõ bản chất của chuyển giá, chỉ ra thực trạng và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của hoạt động chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá.
TS.Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại hội thảo
Chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai. Chuyển giá ẩn trong thu nhập tức là giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế. Chuyển giá đa chiều là hình thức các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế. Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác là hình thức phổ biến nhất hiện nay về chuyển giá cần có biện pháp hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên. |
Đáng chú ý, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.
Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất, công tác kiểm toán chống chuyển giá cần phải được nghiên cứu, xem xét một cách hệ thống, bài bản, nghiêm túc, từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, chất lượng hơn nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá của DN, chống thất thu NSNN.
Trong đó, những vấn đề trong quá trình kiểm toán chống chuyển giá cần được làm rõ từ vấn đề pháp lý đến mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và tổ chức thực hiện kiểm toán đảm bảo hiệu lực, hiệu quả - Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế chia sẻ” và Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức sản xuất và phân phối giữa các chủ thể kinh tế, hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng không chỉ ở các DN FDI mà ngay cả ở các DN trong nước đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giá, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. |
Dưới đây là ghi nhanh của phóng viên Báo Kiểm toán về một số ý kiến tham luận, thảo luận tiêu biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Lê Xuân Trường |
Ông Hoàng Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam: Thông thường, đối tượng bị thanh tra giá chuyển nhượng là các DN FDI, DN trong nước có giao dịch liên kết, hoặc các DN chủ chốt trong ngành. Nhìn chung, có 3 trường hợp thường bị thanh tra giá chuyển nhượng.
Thứ nhất, các DN không tuân thủ các quy định về xác định giá thị trường. Thứ hai, các DN có kết quả kinh doanh không tốt, ví dụ như lỗ liên tục trong nhiều năm hay lợi nhuận rất thấp; lợi nhuận bị thay đổi đột ngột so với các năm hoạt động trước đây; lợi nhuận đột ngột giảm sau thời kì được hưởng ưu đãi thuế; tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành trong khi các bên này lại phát sinh giao dịch chủ yếu với bên liên kết. Thứ ba, những DN có mô hình hoạt động tập trung tại những thiên đường thuế hoặc lãnh thổ có thuế suất thấp hoặc các DN phát sinh các giao dịch đặc thù.
TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn |
Ông Nguyễn Văn Hiệu |
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA): KTNN cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó có một số giải pháp chính như: KTNN cần thống nhất nhận thức và nhận thức đúng về chuyển giá, hoạt động chuyển giá và gian lận chuyển giá; cần nhận dạng các hình thức gian lận chuyển giá và phạm vi gian lận chuyển giá; xác định rõ đối tượng kiểm toán hoạt động gian lận chuyển giá là các DN có quan hệ liên kết, các giao dịch giữa các DN có quan hệ liên kết; đồng thời, kiểm toán các chủ thể được nhà nước giao trách nhiệm kiểm soát việc chuyển giá là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước. KTNN cần áp dụng các quy trình, phương pháp kiểm toán riêng biệt đối với công tác kiểm toán việc gian lận chuyển giá.
Ông Phan Vũ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam: Một trong những bước phát triển lớn nhất về thuế quốc tế trong những năm qua là Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và ngăn ngừa chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng, xuất phát từ một báo cáo về cách thức các công ty đa quốc gia sử dụng những lỗ hổng trong luật thuế của các quốc gia đối với các giao dịch quốc tế để giảm thiểu tổng số thuế phải nộp của cả tập đoàn. Trong đó, BEPS đưa ra một chương trình hành động gồm 15 điểm để ngăn và chống việc chuyển dịch lợi nhuận đó. Hiện nay, BEPS đã trở thành một “phong trào” có tính toàn cầu và không một công ty đa quốc gia nào có thể thờ ơ với BEPS khi xem xét và đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Cúc |
PGS.TSPhan Duy Minh |
Ông Nguyễn Chiến Thắng |
Ông Ngô Minh Kiểm |
Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Trong quá trình kiểm toán, KTNN gặp một số vướng mắc khi đối chiếu thuế với DN, đặc biệt là DN FDI. Vì vậy, giải pháp cần thiết là khi sửa đổi Luật KTNN, KTNN nên xác định rõ hơn nội hàm của khái niệm tài chính công so với hiện nay; quy định rõ nhiệm vụ của KTNN là kiểm tra việc thu ngân sách; đơn vị được kiểm toán phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu xác định nghĩa vụ với NSNN; đồng thời quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi không chấp hành nghiêm túc các hoạt động liên quan đến KTNN.
Ông Vũ Khánh Toàn |
Ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I: Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, thể chế hóa các quy định hiện hành một cách cụ thể hơn để các cơ quan liên quan nói chung, trong đó có KTNN, có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chống chuyển giá. KTNN nên tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm toán về chuyển giá làm tài liệu để phổ biến trong toàn Ngành để các KTNN khu vực nghiên cứu, học hỏi và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chống chuyển giá trên địa bàn hiệu quả hơn. Đồng thời, KTNN nên xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện kiểm toán về chuyển giá để vừa góp phần tăng cường kiểm soát về thuế vừa để bảo vệ được vốn góp của nhà nước tại các DN liên doanh góp vốn.
Lắng nghe và đánh giá cao những ý kiến trao đổi, phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước kết luận: Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện từ góc độ lý luận cũng như góc độ thực tiễn của vấn đề, trong đó làm rõ được bản chất của chuyển giá, chỉ ra thực trạng và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của hoạt động chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá trong thời gian qua. Các đại biểu cùng nhìn nhận chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp, tạo nên những tác động tiêu cực như làm thất thu NSNN và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh kiểm soát hoạt động chuyển giá ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát chuyển giá đã được thiết lập và dần hoàn thiện, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động đấu tranh chống chuyển giá của các DN, tuy nhiên kết quả xử lý còn khiêm tốn.
GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nướckết luậntại hội thảo
Đặc biệt, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá. Trong đó có những giải pháp đáng chú ý như: tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá, như nghiên cứu xây dựng Luật chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật KTNN, Luật Thanh tra theo hướng bổ sung thêm chức năng kiểm toán, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế/DN cho cơ quan KTNN cũng như các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Nhà nước; có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Cùng với đó là các giải pháp: KTNN, cơ quan Thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, Hải quan, công an, ngân hàng... cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên thông dữ liệu, thông tin về người nộp thuế, đặc biệt là các DN FDI, để có được một hệ thống thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng; KTNN cần xem xét lựa chọn tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc tổ chức kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý thuế của các DN có giao dịch liên kết để đánh giá toàn diện và chuyên sâu về hoạt động kê khai, nộp thuế của các đối tượng có giao dịch liên kết thuộc mọi thành phần kinh tế.
Toàn cảnh hội thảo
NHÓM PHÓNG VIÊN