Mạnh tay xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 08/07/2023

(BKTO) - Mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bán giấy khám sức khỏe, sổ BHXH; lập chứng từ, hồ sơ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)… là những hành vi trục lợi Quỹ BHXH, BHYT cần được ngăn chặn, xử lý nghiêm để bảo đảm ý nghĩa nhân văn của chính sách an sinh xã hội.
pk-bien-hoa.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện các hành vi trục lợi tiền bảo hiểm xã hội tại nhiều phòng khám đa khoa tư nhân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: dangcongsan.vn

Người lao động “bắt tay” với cơ sở khám, chữa bệnh để trục lợi

Vụ việc 6 phòng khám đa khoa tư nhân ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) làm giả giấy tờ để trục lợi tiền BHXH, BHYT vừa qua thu hút sự quan tâm của dư luận.

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Bước đầu, qua khám xét tại 6 phòng khám này, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ hơn 130.000 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hơn 400 Giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, câu chuyện cấp giấy nghỉ ốm không đúng quy định đã xảy ra trước đó, cơ quan BHXH đã nắm được và chỉ đạo các địa phương xử lý.

Cách đây hơn 1 năm, BHXH Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một công ty về việc người lao động nghỉ ốm nhiều và kiến nghị cơ quan này rà soát, xử lý. BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo kịp thời.

Vụ việc xảy ra ở 6 phòng khám đa khoa tư nhân trên cũng do chính cơ quan BHXH phát hiện và chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ.

Theo ông Phúc, việc cấp giấy nghỉ ốm không đúng quy định xảy ra với cả cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng với cơ quan BHXH và không có hợp đồng với cơ quan BHXH.

“Có sự bắt tay giữa người lao động và cơ sở khám, chữa bệnh. Có những trường hợp không mắc bệnh nhưng vẫn được cơ sở khám, chữa bệnh khám và đưa ra các chẩn đoán để cấp giấy nghỉ ốm” - ông Phúc thông tin.

Trước vụ việc này, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc triển khai thực hiện đúng những quy định về vấn đề giám định, thanh toán, cấp giấy nghỉ ốm, tránh tình trạng làm giả như đã xảy ra.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý quyết liệt

Không chỉ dừng lại ở việc làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe, thời gian qua, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách như mượn hồ sơ để tham gia BHXH; lập chứng từ, hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT khống để trục lợi Quỹ BHYT; mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội; trục lợi quỹ thai sản…

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến tháng 4/2023 có khoảng 3.700 trường hợp mượn hồ sơ tham gia BHXH. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu BHXH Việt Nam phải xử lý nghiêm việc này. Đồng thời, Bộ đang cùng với cơ quan BHXH nghiên cứu vấn đề này để xử lý sao cho “thấu tình đạt lý”, bảo đảm để người lao động đóng thật, hưởng thật.

Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng BHXH, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm thời gian qua cũng đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề BHXH. Cùng với đó, còn có trên 3.000 đoàn thanh tra BHXH kiểm soát trên lĩnh vực thu.

Trước đó, trong giai đoạn 2016-2020, qua thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH cũng đã thu hồi 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi 828,4 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Riêng trong năm 2021 đã phát hiện và yêu cầu thu hồi số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định.

Rõ ràng, những hành vi vi phạm trên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT nên cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng cần chú trọng các giải pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng, trục lợi này. 

Trong đó, giải pháp trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách; thường xuyên chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám, chữa bệnh; thực hiện đầy đủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện đúng quy định về cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo BHXH Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các quy định về hành vi và chế tài xử lý đối với các hành vi phạm pháp luật về BHXH.

Đồng thời, ngành BHXH cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ tham gia, hồ sơ thụ hưởng chế độ BHXH; thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu, các phần mềm; xây dựng quy trình giám định chặt chẽ nhằm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi./.

Đ. KHOA