Hoạt động kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tại địa phương
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:22, 08/07/2023
Ông đánh giá thế nào về vai trò của KTNN trong nền kinh tế với chức năng đã được quy định?
Theo luật định, KTNN với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã và đang khẳng định là công cụ kiểm tra hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Thông qua hoạt động kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin kinh tế, trước hết là thông tin trên báo cáo tài chính của các cấp chính quyền, đơn vị được kiểm toán.
Kết quả kiểm toán về chất lượng và mức độ tin cậy của các thông tin tài chính như là sự phản biện khách quan, có bằng chứng pháp lý, chỗ dựa vững chắc và gợi ý quan trọng để Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) có căn cứ quyết định các vấn đề lớn của đất nước, của địa phương, nhất là các nội dung liên quan tới công tác quản lý, điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công, ban hành cơ chế chính sách trong các hoạt động có sử dụng nguồn vốn nhà nước, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, thông tin của KTNN đã được Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình; từ đó góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện cả về tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản quản lý liên quan đến quản lý, sử dụng NSNN không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định hiện hành; đồng thời kiến nghị với các cơ quan Trung ương trong thẩm quyền xem xét sửa đổi cơ chế, chính sách còn bất cập, từ đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, với vai trò là cơ quan đã được hiến định trong Hiến pháp, KTNN ngày càng khẳng định tầm quan trọng đối sự phát triển của đất nước. Thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN góp phần tạo sự minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ông có thể nói cụ thể hơn về tác động của hoạt động kiểm toán KTNN đến sự phát triển của địa phương?
Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thời gian qua đã có tác dụng tích cực giúp cho các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước.
Đơn cử, thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN đã cung cấp thông tin giúp HĐND tỉnh quyết định và phân bổ dự toán ngân sách; phê chuẩn quyết toán ngân sách của năm; cũng như giúp HĐND thực hiện tốt vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính, ngân sách của địa phương.
Trong công tác quản lý nhà nước, nhờ vào những thông tin, số liệu, đánh giá của KTNN mà chính quyền các cấp trong tỉnh đã nghiêm túc nhìn nhận tiếp thu, chấn chỉnh cũng như có phản hồi với KTNN; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, điều hành và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch, phối hợp với KTNN trong hoạt động kiểm toán, đôn đốc các đơn vị trong tỉnh thực hiện theo kiến nghị kiểm toán, Sở Tài chính đã và đang tăng cường thực hiện các công tác này đảm bảo hiệu quả; từ đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ phối hợp giữa địa phương với KTNN, trực tiếp là KTNN khu vực VII đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao nhất.
KTNN sắp đánh dấu mốc hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, ông có đề xuất gì để hoạt động của KTNN ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước, cũng như địa phương?
Trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập, đòi hỏi KTNN trước hết cũng phải không ngừng đổi mới, kịp thời cập nhật các xu thế kiểm toán trên thế giới, cụ thể là thực hiện các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán môi trường...; không ngừng đổi mới tiêu chí đánh giá cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả kiểm toán được tốt nhất.
Bên cạnh đó, KTNN cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn các vấn đề mà các bên quan tâm, những vấn đề nổi cộm trong xã hội nhằm phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Để nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các bên, KTNN cần đảm bảo triển khai hiệu quả Cổng trao đổi thông tin giữa KTNN và địa phương, đơn vị được kiểm toán. Cùng với đó, nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình phối hợp công tác giúp trao đổi, xử lý thông tin kiểm toán giữa KTNN với địa phương đạt kết quả cao.
Nghiên cứu đề xuất có cơ chế xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN tồn đọng, khó có khả năng thực hiện để giúp địa phương thực hiện tốt các kiến nghị của KTNN; cũng như KTNN sẽ có điều kiện để tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ kiểm toán được tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!