Kiểm toán nhà nước hỗ trợ địa phương phát triển bền vững
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:41, 10/07/2023
KTNN đưa ra nhiều kiến nghị góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy
Các hoạt động của KTNN đã đưa ra bức tranh tổng thể với những đánh giá khách quan về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương. KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách; tháo gỡ kịp thời một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN từ việc khảo sát, thu thập thông tin xây dựng kế hoạch kiểm toán, đến thực hiện kiến nghị kiểm toán mà đầu mối là Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan. Vì vậy, đã hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra của địa phương, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Tư vấn, hỗ trợ địa phương phòng ngừa từ xa các sai phạm
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn
Việc phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trên các mặt công tác: Xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước.
KTNN cũng đã hỗ trợ địa phương trong việc bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa theo quy định.
Để hoạt động kiểm toán trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hiệu quả cao cũng như giúp địa phương thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách, thời gian tới, qua quá trình kiểm toán, KTNN phát hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo về mặt thể chế, quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương. Từ đó, KTNN kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để khắc phục sơ hở, bất cập, thu hẹp khoảng trống về pháp lý để các địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý, điều hành…
Thực hiện tốt kiến nghị kiểm toán giúp địa phương phát triển bền vững
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc
Tỉnh Ninh Bình xác định, việc thực hiện quy chế phối hợp với KTNN là nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, các nội dung phối hợp trong Quy chế ký kết với KTNN phải được thực hiện tốt, từ việc xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm toán đến tổ chức, thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán và giám sát, thẩm tra, quyết định báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền. Qua đó, các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, thu chi ngân sách của tỉnh Ninh Bình được thực hiện tốt, đúng quy định.
Các kết luận, kiến nghị của KTNN là một trong những văn bản quan trọng, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ điều hành ngân sách, đồng thời nhìn nhận rõ hơn những hạn chế, vướng mắc trong quá trình quản lý, điều hành để rút kinh nghiệm. Với quan điểm chung như vậy, từ năm 2015 đến nay, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình rất chú trọng công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán và đạt được nhiều kết quả tốt. Năm 2015, tỉnh Ninh Bình thực hiện được 87% kết luận kiến nghị kiểm toán, năm 2017 thực hiện được 97% và đặc biệt đến năm 2020 đã thực hiện 99,9% kết luận kiến nghị của KTNN.
Có thể nói, Ninh Bình triển khai rất nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán, tạo sự đồng thuận, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan. Từ việc thực hiện tốt các kiến nghị kiểm toán, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trung bình 9%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 24.300 tỷ đồng và đã tự cân đối được ngân sách, đảm bảo phát huy các nguồn lực. Có thể thấy rằng, công tác phối hợp chặt chẽ từ khâu lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kiểm toán giữa KTNN với các địa phương góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Hoạt động của KTNN góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương
Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An
Thông qua công tác kiểm toán và các hoạt động hỗ trợ khác, KTNN đã tư vấn, giúp HĐND, UBND tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ý thức điều đó, Thường trực HĐND, UBND đã và đang tích cực phối hợp với KTNN để thực hiện tốt các nội dung theo Quy chế; cũng như nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.
Kết luận, kiến nghị kiểm toán là cơ sở để thực hiện giám sát
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan
Những năm qua, việc phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Nam Định và KTNN đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức triển khai nhiệm vụ của hai bên. Với tỉnh Nam Định, các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, là căn cứ, cơ sở để HĐND, UBND và các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai hoạt động giám sát. Đồng thời, học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn về quản lý, điều hành cũng như kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN là căn cứ, cơ sở quan trọng để thẩm tra khi thực hiện phê duyệt dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm trước khi trình HĐND. Để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp với KTNN, thời gian tới, trước mỗi nhiệm kỳ, HĐND, UBND tỉnh cần tổ chức họp sơ kết, đánh giá công tác phối hợp với KTNN. Kết quả kiểm toán là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách. Vì vậy, KTNN cần quan tâm, gửi sớm các kết luận kiến nghị kiểm toán cho HĐND các tỉnh, thành phố./.