Kiểm toán nhà nước khẳng định vị trí, vai trò trong cơ cấu bộ máy Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:11, 11/07/2023

(BKTO) - Trong chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã nỗ lực từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đạt được nhiều kết quả toàn diện. Ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cơ cấu bộ máy nhà nước; gây dựng được uy tín và sự tin cậy trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
4-bac-nhon-1.jpg
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Hữu Nhơn (thời kỳ đương nhiệm) phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị của Ngành. Ảnh tư liệu

Khởi đầu đầy gian truân nhưng rất đỗi tự hào

KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP, ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Trong thời kỳ đầu mới thành lập (1994-2001), KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ, được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 61/TTg, ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như một tuyên ngôn khai sinh KTNN, tạo bước phát triển lớn của hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải cách nền tài chính quốc gia.

Có thể nói, chúng tôi nhận nhiệm vụ quản lý và điều hành KTNN trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: Từ một cơ quan mà trước đó chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động; không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; không có nguồn nhân lực chuyên ngành...

Những gì có được trong bước khởi đầu đó là lòng quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, đặc biệt là cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt - người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng KTNN và cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người có công tiếp sức cho KTNN xây dựng và phát triển trong thời kỳ đầu đầy khó khăn, thử thách.

Khi mới thành lập, KTNN được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đóng trụ sở tại địa chỉ số 33 Hùng Vương, Hà Nội. Lúc đó, vấn đề nhân sự là thách thức không nhỏ đối với chúng tôi.

Tuy nhiên, nhờ một số anh em trong cơ quan hiểu khá rõ đội ngũ kế toán ở các Bộ, ngành và doanh nghiệp tham gia công tác này nên dần dần cũng tập hợp được một số cán bộ cốt cán.

Trước hoàn cảnh khó khăn về hạ tầng, nhân lực và kinh nghiệm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, chúng tôi phân công nhau đi một số nước có nền kinh tế phát triển, có KTNN và những nước có lịch sử phát triển KTNN lâu đời để hợp tác, học tập và thu được nhiều kinh nghiệm quý.

Sau các chuyến công tác, chúng tôi đã phổ biến trong toàn Ngành những cách làm hay, những kiến thức mới. Vì vậy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của anh chị em kiểm toán viên trưởng thành theo năm tháng.

Sau khi có bộ máy tổ chức, có điều lệ, có trụ sở, có cán bộ chủ chốt…, chúng tôi bắt tay vào công việc. Để kiểm toán có chất lượng thì phải có cán bộ kiểm toán tốt, am hiểu công việc, có chuẩn mực kiểm toán rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu tập huấn, đào tạo đội ngũ kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán một số đơn vị nhằm rút kinh nghiệm…

Dấu ấn sâu sắc của những năm tháng đầy gian truân nhưng rất đỗi tự hào đó là sự đoàn kết, nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.

Khẳng định vị trí, vai trò trong cơ cấu bộ máy nhà nước

Thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày KTNN thành lập và tôi nghỉ chế độ hưu trí cũng đã được gần 23 năm, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển của Ngành.

Sau gần 1/3 thế kỷ xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự hỗ trợ từ nhiều phía và sự nỗ lực không ngừng, đến nay địa vị pháp lý của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp. KTNN đã lớn mạnh, trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

4-bac-nhon-2.jpg
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Hữu Nhơn. Ảnh tư liệu

KTNN đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cơ cấu bộ máy nhà nước; khẳng định được sự cần thiết, tính tất yếu khách quan của hoạt động KTNN trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; gây dựng được uy tín và sự tin cậy trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững; phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam… Những thành quả này là niềm vinh dự, tự hào và cả trách nhiệm chính trị của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.

Để có sự phát triển mạnh mẽ ấy, chúng tôi hiểu rằng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo KTNN tiếp nối đều rất quyết tâm và trí tuệ, sẵn sàng vượt qua những thách thức để lao vào cái mới; đồng thời những cái hay, cái tốt cũng thường xuyên được kế thừa và phát huy tác dụng.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của KTNN đã không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, đoàn kết một khối thống nhất, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Với truyền thống của Ngành, tôi tin tưởng rằng KTNN sẽ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, để làm tốt vai trò và nâng cao hơn nữa vị thế của mình, KTNN cần phải tiếp tục có những bước đi tích cực và thiết thực. Đó là: Các đơn vị trong Ngành, đặc biệt là các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN, cũng như tổ chức các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành tài chính, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, KTNN cần tiếp tục coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phải thực hiện đổi mới một cách toàn diện, sâu, rộng nội dung, phương pháp kiểm toán; tích cực ứng dụng kỹ thuật kiểm toán tiên tiến, công nghệ thông tin… vào hoạt động kiểm toán. Từ đó xây dựng KTNN thành cơ quan chuyên nghiệp, với đội ngũ kiểm toán viên có trình độ cao, hướng tới giá trị cốt lõi là “đảm bảo sự minh bạch, chất lượng, hiệu quả”…

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu: Ngoài dịp Tết, chúng ta cần tổ chức gặp mặt thường xuyên hơn để ôn lại truyền thống của Ngành, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ hưu trí.

Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu để thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện của ngành KTNN. Việc thành lập Quỹ là trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành đã nghỉ hưu, tuy nhiên, cũng rất mong có được sự giúp đỡ, đồng hành của các đồng chí lãnh đạo KTNN đương nhiệm.

Nhân dịp này, tôi chúc các đồng chí cán bộ hưu trí, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành KTNN và gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chúc các “chiến sĩ không quân hàm” không ngừng tăng cường bản lĩnh chính trị, nâng cao tay nghề, ngày càng dũng mãnh trên những trận địa nóng bỏng, phát hiện ra những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng tài chính công, tài sản công.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2023./.

TS. VƯƠNG HỮU NHƠN - Tổng Kiểm toán nhà nước đầu tiên