Những lưu ý khi kiểm toán các Hiệp định môi trường đa phương
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:06, 11/07/2023
Mục tiêu của kiểm toán MEA
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tính đến tháng 12/2009, có hơn 280 thỏa thuận một cách toàn diện về bảo vệ môi trường. MEA là một tập hợp con trong hệ thống các thỏa thuận quốc tế. Các thỏa thuận này có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: quy ước, điều ước, thỏa thuận, tuyên bố, hiệp ước, công ước…
MEA là một công cụ pháp lý có tính ràng buộc giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm giải quyết một số khía cạnh về môi trường. Kết quả khảo sát năm 2003 về kiểm toán môi trường cho thấy, hơn 1/3 SAI đã sử dụng các MEA cho nguồn dẫn các tiêu chí kiểm toán đối với các chủ đề: Biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, rác thải độc hại, bảo vệ tầng ozon…
Mục tiêu chung đối với kiểm toán các MEA là xem xét mức độ triển khai đầy đủ và đúng đắn các chính sách, quy trình trong nước của Chính phủ nhằm đáp ứng các cam kết trong MEA.
Việc kiểm toán lĩnh vực này yêu cầu các kiểm toán viên xác định rõ các cam kết, việc áp dụng những cam kết này vào luật pháp quốc gia, do cơ quan nào điều hành. Các chính sách và quy trình quốc gia ra đời sẽ trở thành nguồn dẫn hợp lý của các tiêu chí kiểm toán để đánh giá mức độ áp dụng và thực thi các chính sách và quy trình này, việc đảm bảo tính tuân thủ những chính sách và pháp luật đó.
Cuộc kiểm toán sẽ xác nhận tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc thực thi các chính sách. Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán còn đánh giá việc thực hiện những mục tiêu của chính sách, đồng thời xem xét các chính sách này có đáp ứng các cam kết của MEA.
Những lưu ý khi kiểm toán MEA
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, phạm vi mà các SAI có thể tiến hành kiểm toán các MEA sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chức năng, nhiệm vụ và vị trí của SAI trong cơ cấu tổ chức chính quyền của quốc gia đó.
Một số SAI có chức năng kiểm toán đối với các văn bản luật quốc gia và văn bản dưới luật liên quan đến các MEA. Đơn cử, SAI Ấn Độ có chức năng kiểm toán tất cả các văn bản luật của quốc gia, các bang và địa phương, trong khi chức năng của SAI Canada lại chỉ tập trung vào luật pháp của chính quyền Liên bang.
Hơn nữa, các SAI có thể tiến hành kiểm toán sự thực thi của một MEA ở các cấp độ khác nhau trong một quốc gia và kết quả sẽ rất khác nhau.
Bên cạnh đó, SAI có thể đối mặt với thách thức khi kiểm toán việc thực thi các công cụ của một nước nhằm thực hiện MEA ở cấp quốc gia hoặc kiểm toán việc tuân thủ của Chính phủ đối với một MEA cụ thể ở cấp quốc tế. Câu hỏi đặt ra, liệu các SAI có thể kiểm toán các MEA tại các bang mà ở đó không chấp thuận việc thực thi pháp luật?
Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp, các SAI có thể kiểm toán đối với các MEA mà Chính phủ chưa từng chấp thuận việc thực thi chính sách pháp luật. Một số Chính phủ mới chỉ thông qua MEA hoặc chưa đủ nguồn lực hay uy tín chính trị để áp dụng với luật pháp quốc gia, các chỉ tiêu, chiến lược và các công cụ chính sách khác.
Thông thường, kiểm toán MEA được thực hiện khi các Chính phủ có đủ thời gian thực thi hiệp định ở cấp quốc gia, đồng thời phát triển các chính sách nội địa đồng bộ.
Thực tế, các tiêu chí kiểm toán là cơ sở để SAI quyết định xem nên kiểm toán MEA nào và cách thức thực hiện kiểm toán. Những tiêu chí này bao gồm: Việc ký kết và thực thi của nghị định, các dấu hiệu không tuân thủ nghị định, các rủi ro liên quan đến môi trường theo nghị định, nghĩa vụ phải tuân thủ nghị định, tính chặt chẽ của nghị định, thời hạn của các báo cáo kiểm toán (ví dụ phát hành báo cáo kiểm toán cùng lúc với các cam kết quốc tế).
Các SAI cho rằng, điều quan trọng hơn là phải thực hiện kiểm toán các vấn đề môi trường hiện tại của chính quốc gia, sau đó mới xem xét các MEA có liên quan đã ký kết hoặc đến thời hạn thực thi hơn là lựa chọn một MEA cụ thể để kiểm toán.
Thực tiễn cũng cho thấy, việc kiểm toán tình hình thực thi MEA của một bang khi hiệp định này có hiệu lực sẽ dễ hơn nhiều việc kiểm toán một MEA mà bang đó chưa chính thức trở thành một bên của hiệp định. Đơn cử, Hoa Kỳ không tham gia ký kết Nghị định thư Kyoto theo Hiệp định khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, việc xác định các khía cạnh hay bài học kinh nghiệm quan trọng từ Kế hoạch mua bán khí thải (ETS) và Định chế Phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto (CDM) đều có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định tại Hoa Kỳ. SAI Hoa Kỳ cũng đã nghiên cứu bài học kinh nghiệm về ETS và CDM của châu Âu.
Bằng việc tiến hành kiểm toán trực tiếp cam kết quốc tế đối với một MEA của một bang, các SAI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá những thiếu hụt về dữ liệu, tính tuân thủ và tính hiệu quả của các MEA. Hơn nữa, các SAI cũng có thể cung cấp thông tin cho Ban Thư ký của MEA và đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện tình hình trong tương lai.
Đối với UNFCCC, một trong các tiêu chí kiểm toán nêu trên đã được áp dụng ở một số cuộc kiểm toán nhằm đánh giá sự tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về biến đổi khí hậu của các chính phủ.
Chẳng hạn, năm 2006, SAI Canada đã tiến hành một cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá những cam kết của Chính phủ với những nghĩa vụ phải thực hiện theo Nghị định thư Kyoto ngay cả khi Canada còn chưa thông qua chiến lược quốc gia về vấn đề này. Cuộc kiểm toán cho thấy, Chính phủ Canada đã tạo ra một cơ cấu điều hành hiệu quả đối với việc quản lý các hoạt động về biến đổi khí hậu tại nước này.
Năm 2009, SAI Ukraine đã tiến hành cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tình hình thực thi của Chính phủ đối với các cam kết thuộc Nghị định thư Kyoto. SAI Ukraine cũng sử dụng UNFCCC và các cam kết của Nghị định thư Kyoto làm tiêu chí kiểm toán nhằm đánh giá những phản ứng của Chính phủ với biến đổi khí hậu.
Những ví dụ trên cho thấy, các SAI có thể linh hoạt khi tiến hành các cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực thi MEA tùy theo cơ chế, chính sách, pháp luật quốc gia./.