Thúc đẩy năng lượng sạch trong khu vực ASEAN

Kinh tế - Ngày đăng : 20:03, 11/07/2023

(BKTO) - Các quốc gia Đông Nam Á đang có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng hơn nữa tiềm năng điện cácbon thấp để cung cấp năng lượng cho khu vực.
nang-luong-tai-tao.jpg
Các quốc gia ASEAN đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng sạch - Ảnh minh họa 

Mở rộng tiềm năng điện cácbon thấp trong khu vực

Chuyển đổi năng lượng sạch đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại khu vực ASEAN , khi mà nhu cầu năng lượng dự báo của các quốc gia khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, đến năm 2050, các nước Đông Nam Á có thể giảm tới 160 tỷ USD chi phí năng lượng nhờ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. 

Thái Lan hiện có công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên 15 GW, đóng góp khoảng 1/3 tổng lượng điện năng. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 63 GW, chiếm 39% thị phần vào năm 2030. Mục tiêu của Thái Lan là trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Malaysia đặt mục tiêu đưa công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đạt 40%, tương đương 18 nghìn MW vào năm 2035. Hiện con số này là hơn 8 nghìn MW, khoảng 23% tổng công suất điện. Cùng với đó, Malaysia đang có kế hoạch xây dựng 3 hòn đảo năng lượng xanh, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.

Indonesia cũng đã công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Từ năm 2030, công suất điện bổ sung của Indonesia sẽ chỉ đến từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong khi các nhà máy điện hạt nhân sẽ hòa mạng lưới điện quốc gia vào năm 2049.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore mới đây đã ký biên bản ghi nhớ mở đường cho việc phát triển sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN, đồng thời hỗ trợ thành lập Lưới điện ASEAN. Quan hệ đối tác cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của Singapore trong việc khử cácbon trong ngành điện và nhập khẩu điện sạch từ khu vực.

Vào tháng 10 năm 2021, EMA đã công bố kế hoạch nhập khẩu tới 4 gigawatt (GW) điện cácbon thấp vào năm 2035, tương đương 30% tổng nguồn cung của Singapore, như một phần trong kế hoạch khử cácbon trong ngành năng lượng.

Năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam

dien-mat-troi-con-dao.jpg
Nhà máy điện mặt trời tại Côn Đảo - Ảnh minh họa

Theo Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia quốc tế nhận định, trong 4 năm qua, Việt Nam đã tăng công suất năng lượng Mặt trời và gió, với tỷ lệ điện Mặt trời trong sản xuất điện tăng từ mức gần như không có 4 năm trước lên 11% năm 2021. Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều về tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió trong cơ cấu nguồn điện so với các nước khác và trở thành nhà sản xuất điện Mặt Trời lớn thứ 10 trên thế giới. 

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều kế hoạch và chính sách khác nhau để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Trong số các ưu đãi chính sách, đáng chú ý nhất là Chiến lược phát triển quốc gia, chương trình Biểu giá điện hỗ trợ (FiT) và Quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Đầu tiên là mức tiêu thụ điện trong nước cao. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng tại Việt Nam nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Theo các nhà phân tích quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực miền nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước. Cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm.

Ngoài ra, nhờ địa hình dài và hẹp gồm 3.000 km đường bờ biển và hệ thống đồi núi đa dạng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió đáng kể. Theo World Bank, 39% diện tích đất nước có vận tốc gió hơn 6 mét/giây ở độ cao 65 mét, tương đương công suất 512 GW.

Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Boston Consulting Group (BCG), để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 - 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 - 105.000 việc làm trực tiếp.

Bên cạnh đó, đối với hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 - 50.000 việc làm, mang lại lợi ích cho cả thị trường nội địa lẫn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.

Nam Sơn