Phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng trong ASEAN
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:45, 12/07/2023
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Phiên họp.
Phát biểu dẫn đề tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chủ đề thảo luận phản ánh rất đúng xu thế hiện nay khi khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trở thành một trong những yếu tố tiên quyết quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh vô vàn khó khăn, thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Tình hình thế giới đang có những thay đổi rất nhanh, mạnh, chứa đựng nhiều rủi ro, bất ổn, nhiều yếu tố mới liên tục xuất hiện, khó dự báo, tác động khá toàn diện đến các nền kinh tế.
Cùng với đó, hậu quả của đại dịch Covid-19, việc thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ ở các nền kinh tế lớn để kiềm chế lạm phát kéo theo cắt giảm chi tiêu, sụt giảm tổng cầu của thế giới, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu... bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút nghiêm trọng.
Trước bối cảnh như vậy, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp cấp bách, ngắn hạn để ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình trước mắt, đồng thời, có các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững trong cả trung và dài hạn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, hợp tác về KHCN giữa các nước ASEAN được thực hiện thông qua hoạt động của Ủy ban KHCN và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI).
Bộ KHCN Việt Nam đã đảm nhận vai trò Chủ tịch COSTI ASEAN từ tháng 01/2022 đến tháng 01/2023. Tại Hội nghị Ủy ban KHCN và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 83 (COSTI-83) diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua tại Brunei, Bộ trưởng các nước ASEAN đã tập trung thảo luận nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị đã nhất trí thông qua danh mục 5 hoạt động ưu tiên trong năm 2024 gồm: Trung tâm Quản lý công nghệ ASEAN (Giai đoạn III); Phát triển Chiến lược Cơ sở hạ tầng nghiên cứu khu vực ASEAN (Giai đoạn II); Thiết lập Sáng kiến Khởi nghiệp ASEAN; Thiết lập Cộng đồng huy động tài năng ASEAN; Hướng dẫn thực hiện đánh giá khả năng phục hồi năng lượng ASEAN, nâng cao năng lực phục hồi năng lượng ASEAN.
Những kết quả trên cho thấy các nước ASEAN đều có nhận thức về tầm quan trọng và cùng nỗ lực tăng cường hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KHCN phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ KHCN mong muốn, thông qua phiên họp, các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi về các bài học kinh nghiệm của mỗi nước, về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung khổ pháp lý, về cơ chế thí điểm và hỗ trợ những mô hình mới để từ đó cùng nhau khuyến nghị, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KHCN phục vụ tăng trưởng trong ASEAN.
Tại phiên họp, đại diện Nghị viện thành viên AIPA đã báo cáo về chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KHCN phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững” và thảo luận về nội dung này.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh, qua các báo cáo, trao đổi, thảo luận, có thể thấy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KHCN phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững đang thực sự trở thành xu thế chung của thế giới, trong đó có các quốc gia ASEAN.
Theo đó, các quốc gia ASEAN cần nhận thức rõ thành tựu, hạn chế của KHCN; tiếp thu, làm chủ, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đưa phát triển kinh tế số, ứng dụng KHCN trở thành nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào tri thức, đổi mới, sáng tạo để tạo sự bứt phá, trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Đồng thời, cần xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Tận dụng các cơ chế khu vực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và thúc đẩy hoạt động hợp tác, đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng, phát triển KHCN phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cùng với đó, các nghị viện thành viên AIPA cần dành nhiều ưu tiên cho việc hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN, phát triển nguồn cung - cầu công nghệ và hạ tầng về kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.
Trước đó, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà - Chủ tịch AIPA Caucus lần thứ 14, Hội nghị đã tiến hành Phiên thảo luận thứ nhất.
Các đại biểu đã nghe đại diện Đoàn đại biểu Nghị viện thành viên AIPA trình bày Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43.
Đánh giá cao kinh nghiệm của các quốc gia trong thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của các Nghị viện thành viên và từng nghị sĩ trong việc giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các Nghị quyết.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã xem xét báo cáo của Ban Thư ký AIPA về các hoạt động của Ban Thư ký từ năm 2017-2023; cập nhật hoạt động của AIPA và Ban Thư ký AIPA trong 6 tháng đầu năm; cập nhật tình hình thực hiện các Nghị quyết của AIPA được thông qua tại các Kỳ họp Đại hội đồng AIPA từ 2017-2022 và ra mắt website mới của Ban Thư ký AIPA.