Các đề tài nghiên cứu khoa học cần bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:11, 12/07/2023
Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch HĐKH; GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch HĐKH; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐKH và các thành viên trong HĐKH.
Báo cáo tình hình xây dựng Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2024, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc cho biết: Hiện nay, Văn phòng HĐKH đã tổng hợp được 21 đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 11 đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở từ 18 đơn vị trong và ngoài ngành.
Đối với các đơn vị trong Ngành, có 14/31 đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (chiếm 45% trên toàn Ngành) và 9/31 đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở (tương đương 29% trên toàn Ngành). Các nhiệm vụ đăng ký thuộc các lĩnh vực hoạt động chung của KTNN, hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức hoạt động kiểm toán, kiểm toán ngân sách, tài chính, đầu tư.
Đến nay, Văn phòng HĐKH đã tiến hành rà soát tính trùng lặp các nhiệm vụ đề xuất năm 2024 với danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học đã triển khai nghiên cứu trong những năm qua, đồng thời lấy ý kiến của các thành viên HĐKH về danh mục đề tài.
Hội đồng tư vấn, xác định nhiệm vụ xét chọn cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài đã tổ chức họp vào ngày 31/5/2023 và lựa chọn ra 16 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (5 đề tài do các cá nhân/đơn vị đăng ký; 11 đề tài do Thường trực HĐKH và Hội đồng tư vấn đề xuất) và 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở để đưa vào Kế hoạch khoa học công nghệ năm 2024. Ngoài ra, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã đề xuất bổ sung 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ để Thường trực HĐKH xét chọn đưa vào Kế hoạch năm 2024.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Cốt lõi của nghiên cứu khoa học là phải tìm ra những vấn đề mới, đồng thời đảm bảo tính ứng dụng cho hoạt động của KTNN. Do đó, việc lựa chọn, xét duyệt chủ đề, nội dung nghiên cứu và ban chủ nhiệm đề tài cần chặt chẽ, có định hướng ngay từ đầu.
Đặc biệt, các đề tài cấp Bộ phải được nghiên cứu trên phạm vi rộng, toàn Ngành; nội dung nghiên cứu bám sát hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong thời gian tới như: Sửa đổi Luật KTNN, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, tăng cường phối hợp giữa KTNN với HĐND các tỉnh, KTNN tham gia đoàn giám sát của Quốc hội…
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch HĐKH Đoàn Xuân Tiên cho rằng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của KTNN thời gian tới cần tập trung vào một số chủ đề như: Hoàn thiện quy định, quy trình kiểm toán hoạt động đối với kiểm toán báo cáo quyết toán; vai trò của KTNN trong việc lành mạnh hóa thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm); nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khu vực công và vai trò của KTNN; nhận diện rủi ro, thách thức của nền tài chính…
Với những đề tài khó, phạm vi rộng, KTNN có thể thực hiện theo hướng đặt hàng, huy động chuyên gia để tham gia nghiên cứu và cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng. Khi đăng ký nghiên cứu, chủ trì đề tài phải thuyết minh được tổng quan nghiên cứu, xác định khoảng trống nghiên cứu, từ đó đưa ra ý tưởng, đề xuất mới, thể hiện giá trị khoa học, thực tiễn, ứng dụng của đề tài.
Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh: Các đề tài nghiên cứu khoa học cần đảm bảo tính thực tiễn, phục vụ cho hoạt động của Ngành và bám sát Chiến lược, nhiệm vụ thời gian tới như: Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN; xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách…
Để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, Thường trực HĐKH cần xây dựng quy định cụ thể về tiêu chí sản phẩm trước khi đưa ra hội đồng nghiệm thu, trong đó có thể quy định thêm về việc ban đề tài cấp Bộ phải có từ 2 bài báo trở lên đăng trên các tạp chí khoa học uy tín (0,5 - 1 điểm). Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở, cần tăng thêm số lượng các đề tài và khuyến khích các đơn vị trong Ngành đăng ký nội dung, tìm kiếm các vấn đề mới từ thực tiễn hoạt động kiểm toán.