Kiểm toán nhà nước góp phần vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:45, 12/07/2023
Hoạt động kiểm toán giúp mang lại hiệu quả trong công tác quản lý của địa phương
Thông tin về địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc, có diện tích tự nhiên gần 6.887km2; dân số trên 84 vạn người; có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 01 thành phố, 01 thị xã, 02 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn (30a) là huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải; có 173 xã, phường, thị trấn, trong đó có 59 xã đặc biệt khó khăn.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Yên Bái đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội, như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 7,11%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước; năm 2022 đạt 8,62% - đây là mức cao nhất kể từ năm 2015; tính bình quân từ đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng GRDP đạt 7,86%/năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; năm 2022 đạt 4.616,6 tỷ đồng, vượt 78,4% dự toán Trung ương giao, tăng 5,5% so với năm 2021...
Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực Tây Bắc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66% số xã toàn tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Tuấn, để có được những kết quả nêu trên còn có đóng góp không nhỏ của KTNN, trực tiếp là KTNN khu vực VII đóng trên địa bàn.
Thứ nhất, đối với công tác quản lý của chính quyền địa phương, hoạt động kiểm toán góp phần cung cấp thông tin xác thực, toàn diện tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách, trên cơ sở đó giúp tỉnh quán triệt và có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, thông qua các các hoạt động kiểm toán, KTNN đã xác định được những bất cập trong quy định về chính sách pháp luật đối với công tác lập, phân bổ giao kế hoạch, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để từ đó có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương điều chỉnh, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan phục vụ công tác quản lý.
Thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động kiểm toán
Theo ông Trần Huy Tuấn, trên cơ sở nhìn nhận rõ vị trí, vai trò của KTNN, thời gian qua, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân, Ủy ban nhân dân (HĐND, UBND) tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán cũng như các nội dung công tác có liên quan.
Cụ thể, trong quá trình các đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổng hợp (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất làm việc cho đoàn kiểm toán; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu đảm bảo hoạt động của đoàn kiểm toán đúng mục tiêu và kế hoạch. Chỉ đạo cơ quan đầu mối nắm bắt tiến độ kiểm toán, những phát sinh vướng mắc để xử lý.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, một số khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức quản lý điều hành ngân sách cũng như các lĩnh vực khác của tỉnh được HĐND, UBND tỉnh kiến nghị với đoàn kiểm toán để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành để nghiên cứu, điều chỉnh một số Luật như: Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
“HĐND, UBND tỉnh đã thực hiện công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị đến các đại biểu HĐND tỉnh và trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện cho đại biểu HĐND và nhân dân thực hiện quyền giám sát quản lý ngân sách theo quy định của pháp luật” - ông Tuấn cho biết.
Về định hướng trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc lập kế hoạch kiểm toán, trong đó chủ động đưa ra các nội dung về đối tượng, phạm vi kiểm toán để phục vụ cho việc giám sát, thẩm tra, quyết định phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm của tỉnh.
Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến các báo cáo kết luận, kiến nghị của kiểm toán ngay khi có yêu cầu. Chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu đảm bảo cho hoạt động kiểm toán đúng kế hoạch; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong quản lý tài chính ngân sách theo kết luận và kiến nghị của KTNN./.