Sớm khơi thông rào cản, đưa nguồn lực đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 08/07/2023
Theo đánh giá, trong những tháng đầu năm, Ủy ban Dân tộc đã bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình bị đánh giá là còn chậm. Nguyên nhân là do một số vướng mắc chính như số lượng văn bản ban hành rất nhiều, chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành Trung ương nên còn chồng chéo…
Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã và đang tập trung xử lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các địa phương; hoàn thiện xây dựng và sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách để đảm bảo đầy đủ hệ thống cơ sở pháp lý làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Theo Ủy ban Dân tộc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ủy ban là đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn; tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030. Thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Dân tộc diễn ra mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh lưu ý nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc, đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đến với đồng bào vùng núi là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Đặc biệt, vừa qua Quốc hội cho phép Chính phủ rà soát, điều chỉnh các nội dung của Chương trình MTQG; Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn về việc thúc đẩy triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG. Do đó, các vụ chức năng của Ủy ban cần bám sát các nội dung của Công văn để rà soát lại những vấn đề cần điều chỉnh...
Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước gần 115.000 tỷ đồng với phần vốn vay tín dụng dự kiến gần 20.000 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình MTQG để thực hiện 10 Dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phê duyệt và triển khai Chương trình là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
"Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống KT-XH với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như đất ở, nhà ở, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... Đồng thời cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền...” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như nâng cao hiệu quả của Chương trình đối với giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị các địa phương đánh giá, tổng kết và kiến nghị Trung ương cần thiết kế chương trình theo hướng nào? Thay đổi nội dung gì? Bổ sung, điều chỉnh hạng mục nào để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng và địa bàn thụ hưởng; tránh manh mún, dàn trải; đầu tư tạo động lực để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi./.