Giảm lãi suất không phải là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy nhất

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:27, 14/07/2023

(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp (DN), việc giảm lãi suất không phải là giải pháp duy nhất…
hieu.png
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế. 

Thưa ông! Các ngân hàng đang có thanh khoản dồi dào và sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng DN lại khó tiếp cận tín dụng. Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trước hết, chúng ta thấy rằng nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn trì trệ. Do đó, nhiều DN không có đơn đặt hàng hoặc là đơn đặt hàng bị giảm, kinh doanh thua lỗ. Chính vì thế, DN không có nhu cầu vay vốn.

Thứ hai, cũng chính bởi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn trì trệ nên rủi ro kinh doanh tăng lên. Rủi ro ở đây là rủi ro về tài chính, thanh khoản của các DN bị suy yếu. Chính vì thế, các ngân hàng rất dè dặt trong vấn đề cho vay. Ngân hàng muốn cho vay những khách hàng mà họ tin tưởng và những khách hàng có thanh khoản tốt. Còn với những khách hàng, nhất là những DN nhỏ và vừa, ngân hàng rất sợ vấn đề nợ xấu. Như vậy, rủi ro của nền kinh tế, rủi ro kinh doanh mà các ngân hàng rất thận trọng trong vấn đề cho vay.

Điểm thứ ba nữa là liên quan đến lãi suất, lãi suất cho vay trong nửa đầu năm nay không giảm nhiều như lãi suất huy động. Lãi suất cao khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng cho các DN.

Với những lý trên, có thể giải thích tại sao các ngân hàng thừa tiền nhưng DN lại khó vay vốn.

Vậy theo ông, giải pháp nào để hóa giải nghịch lý ngân hàng thừa tiền mà DN thì vẫn khó vay?

Tôi cho rằng, cần nhìn vào thực chất của vấn đề thì mới giải quyết được nghịch lý này. Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ vì vấn đề lãi suất cao mà các DN không vay vốn được thì có lẽ đây là cách nhìn còn thiếu sót. Theo tôi, không phải chỉ có lãi suất cao tạo nên chi phí cao khiến các DN không vay, vấn đề ở đây là nền kinh tế đang rất trì trệ. Xuất khẩu, đơn đặt hàng và tổng cầu đều giảm. Tôi lấy ví dụ, ngay ở khu đất vàng Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều cửa tiệm đóng cửa.

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, rủi ro có nguy cơ tăng lên. Chúng ta phải nhìn như thế thì mới tìm ra được giải pháp, còn nếu chỉ nhìn vào lãi suất và thanh khoản của các ngân hàng, việc đói vốn của các DN thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề này.

Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề cho vay của các DN, trong khi rủi ro của các DN tăng lên như thế, chỉ có một cách là Chính phủ “ra tay đỡ các DN”. Vậy “đỡ” bằng cách nào? Tại thời điểm hiện nay, chỉ Quỹ Bảo lãnh tín dụng là có thể thực hiện được điều này.

Nếu chỉ nhìn vào lãi suất và thanh khoản của các ngân hàng, việc đói vốn của các DN thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề ngân hàng thừa tiền nhưng DN vẫn khó vay.

Việt Nam đã có Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho Quỹ này tại các địa phương hoạt động. Tuy nhiên, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương có quy mô còn rất nhỏ và hoạt động chưa hiệu quả. Do đó, Việt Nam cần có Quỹ Bảo lãnh tín dụng mang tầm cỡ quốc gia để có thể bảo lãnh cho DN. Chỉ bằng cách này, các ngân hàng mới mạnh tay cho DN vay vốn.

Trong quá khứ, đã có những chuyện tiêu cực về Quỹ Bảo lãnh tín dụng và hầu như mô hình này không thành công. Thế nhưng, đó là do chúng ta chưa có một Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia mang tầm cỡ lớn, chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh những tiêu cực và những điều kiện để các DN được bảo lãnh cũng không hề dễ dàng. Còn Quỹ bảo lãnh mà lại có những tiêu chí bảo lãnh như điều kiện vay vốn ngân hàng hiện nay thì khó có thể bảo lãnh cho DN.

Do đó, chúng ta phải có một quy chế riêng cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Các điều kiện được bảo lãnh phải nhẹ nhàng hơn và nếu DN nào không trả được nợ cho ngân hàng mà Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải đứng ra bồi thường thì phải xem đó là chi phí cho quốc gia, chi phí để trợ giúp DN.

Ngoài việc phát huy vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, ngân hàng cần có thêm giải pháp nào, thưa ông?

Ngoài giải pháp là Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lẽ nên thúc đẩy các ngân hàng tiến tới một hình thức cho vay tín chấp bên cạnh hình thức cho vay thế chấp. Tất nhiên là tín chấp cho những DN có tình hình tài chính tốt. Ngay cả những DN có tình hình tài chính chưa ổn định nhưng DN đó kiểm soát được dòng tiền và các ngân hàng cũng có cơ chế để kiểm soát được dòng tiền của DN thì ngân hàng cũng có thể xem xét, nghiên cứu cho vay.

Hiện nay, ở Việt Nam, DN có rất nhiều tài khoản ngân hàng và quá nhiều quan hệ với các ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng không thể kiểm soát được dòng tiền của DN. Thành ra, cho vay tín chấp khó thực hiện ở Việt Nam. Ngân hàng không kiểm soát được dòng tiền thì không thể cho vay tín chấp. Do vậy, các ngân hàng cần ngồi lại với NHNN để đưa ra những quy định, những mô hình cho vay tín chấp phù hợp.

Ngoài ra, các ngân hàng nên trao đổi với NHNN để có một chương trình cấp tín dụng với những quy định dễ dàng hơn nhằm tạo điều kiện cho DN vay vốn. Nhưng điều này không có nghĩa là hạ chuẩn tín dụng, bởi việc hạ chuẩn cho vay dễ dẫn đến nợ xấu và tình trạng mất vốn của các ngân hàng.

Trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn, theo ông, mặt bằng lãi suất nửa cuối năm nên được thiết lập ở mức như thế nào để có thể hỗ trợ các DN tốt hơn?

Theo dự đoán của tôi, từ nay đến cuối năm, để hỗ trợ DN, NHNN có thể sẽ giảm lãi suất điều hành khoảng 1% nữa, trần lãi suất huy động có lẽ cũng sẽ được kéo xuống khoảng 0,5-1%. Về lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất có thể sẽ kéo xuống dưới 10%, tốt nhất là 9%.

Mỹ và các nước châu Âu đã dần dần chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng thay vì thắt chặt. Với chính sách tiền tệ của Mỹ và nhiều quốc gia tại châu Âu, có thể dự đoán, giai đoạn sắp tới, hệ thống tài chính thế giới dần đi vào sự ổn định hơn. Trong bối cảnh đó, chúng ta có dư địa để giảm lãi suất. Chính sách tiền tệ trong nửa năm qua là hoàn toàn phù hợp. 

Tuy nhiên, như tôi đã nói, lãi suất không phải là giải pháp duy nhất. Phải tính đến việc các DN vay được tiền và phục vụ nền kinh tế để nền kinh tế tăng trưởng. Còn bây giờ, nếu chúng ta không giúp các DN thì ngân hàng có hạ lãi suất thêm 1-2% cũng chẳng ảnh hưởng gì cả bởi họ có được vay đâu. Thành ra, ngoài các giải pháp lãi suất, chúng ta phải có những phương án khác nữa để hỗ trợ các DN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG NHUNG - THÀNH ĐỨC