Tích cực đóng góp cho Nhóm Công tác ASOSAI về Các mục tiêu phát triển bền vững

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:14, 26/05/2023

(BKTO) - Nhận lời mời của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Azerbaijan, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đã dẫn đầu Đoàn công tác tham dự Cuộc họp thường niên lần thứ 2 của Nhóm Công tác về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGSDGs) năm 2023 từ ngày 23-25/5/2023.

Cùng tham gia Đoàn có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Quán Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Việt Hùng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cùng đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN Việt Nam.

a.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Cuộc họp. Ảnh: CTV

Mục tiêu của Cuộc họp nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong quá trình chuẩn bị và kiểm toán việc thực hiện SDGs; hỗ trợ cải thiện phúc lợi của người dân, bao gồm thực hiện các mục tiêu và kết quả cuối cùng trong khuôn khổ SDGs trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Trong khuôn khổ của Cuộc họp, 11 cơ quan KTNN của các nước thành viên Nhóm công tác ASOSAI WGSDGs đã trình bày 12 bài tham luận, trao đổi thảo luận về thực trạng thực hiện SDGs tại các quốc gia, kinh nghiệm kiểm toán, việc chuẩn bị cũng như thực hiện SDGs tại các quốc gia trên toàn cầu.

Trong đó, KTNN Liên bang Nga đã giới thiệu về hoạt động, những kết quả đạt được của Nhóm công tác về thực hiện SDGs và các chỉ số phát triển bền vững chủ yếu của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI SDGs KSDI) như việc xây dựng và ban hành Hướng dẫn kiểm toán độ tin cậy của dự báo kinh tế vĩ mô, Kiểm toán môi trường - xã hội - quản trị (ESG), Hướng dẫn thực hành kiểm toán SDGs cấp địa phương cũng như hệ thống đào tạo U-INTOSAI trực tuyến (nền tảng giáo dục trực tuyến mở dành cho tất cả các thành viên INTOSAI được tạo ra như một không gian duy nhất để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức nâng cao) với 121 khóa học phiên dịch theo 7 ngôn ngữ.

KTNN Việt Nam và KTNN Nga đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các bên liên quan đối với kết quả việc thực hiện SDGs. Hai cơ quan KTNN ghi nhận tầm quan trọng của các bên liên quan tham gia ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

KTNN Nga đã kêu gọi chính phủ các quốc gia G20 (19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu) hợp tác với các bên liên quan để xem xét về sự cần thiết xây dựng một khuôn khổ báo cáo, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho khu vực công, hướng các chương trình của chính phủ tới một nền kinh tế xanh, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tiến tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.

b.jpg
Thành viên Đoàn công tác chụp ảnh cùng một số đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Cuộc họp cũng đã có cơ hội tìm hiểu về kinh nghiệm của KTNN Nga thông qua một số thông tin khái quát về cuộc kiểm toán việc chuẩn bị thực hiện SDGs năm 2020 và cuộc kiểm toán một số chỉ số trong SDGs cấp địa phương giai đoạn 2022-2023, đặc biệt là việc ứng dụng mô hình kiểm toán 7 bước theo hướng dẫn của INTOSAI.

KTNN Nga đã chia sẻ về kinh nghiệm kiểm toán SDGs và cho biết, để thực hiện SDGs, Nga chú trọng công tác kiểm toán tính sẵn sàng của hệ thống hành chính công trong đó đặc biệt chú trọng vào 3 mục tiêu chính gồm: đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Nga; phân tích tính sẵn có của các nguồn lực cần thiết để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đánh giá sự sẵn sàng của hệ thống giám sát Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Nga.

KTNN Nga cũng đưa ra một số khuyến nghị và bài học của Nga trong quá trình tiến tới thực hiện thành công SDGs như đưa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào trong các tài liệu hoạch định chiến lược; phân công rõ ràng trách nhiệm thực hiện các mục tiêu của Chương trình giữa các cơ quan chức năng; tổ chức hợp tác liên ngành trong việc thực hiện Chương trình nghị sự; xây dựng cơ chế khuyến khích các hành vi kinh doanh có trách nhiệm; tạo ra một hệ thống thông tin toàn diện về Chương trình nghị sự.

KTNN Ấn Độ và KTNN Thái Lan tập trung trình bày về kinh nghiệm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững từ 2 cuộc kiểm toán lần lượt là Kiểm toán việc bảo tồn hệ sinh thái biển và Kiểm toán đánh giá việc thực hiện SDGs lưu vực sông Mê Kông trên lãnh thổ Thái Lan.

Trình bày tại Cuộc họp, bài tham luận của KTNN Việt Nam mang chủ đề “Các bài học trong kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”. Qua đó giới thiệu về việc thực hiện SDGs tại Việt Nam, vai trò cũng như kết quả thực hiện vai trò của KTNN Việt Nam đối với việc thực hiện SDGs cũng như một số định hướng trong thời gian tới liên quan đến việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như các kỹ năng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán cùng với các trọng tâm trong hợp tác quốc tế về kiểm toán SDGs.

Đồng thời, KTNN các nước thành viên đã thảo luận về thời gian thực hiện cũng như các kết quả dự kiến của các dự án tại Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác ASOSAI WGSDGs; trong đó KTNN Việt Nam tham gia Nhóm dự án về Kiểm toán hợp tác về SDGs.

Tại Cuộc họp, các thành viên của Nhóm đã trao đổi thông tin về thực tiễn triển khai kiểm toán hoạt động tại từng quốc gia để đề xuất thời gian dự kiến lựa chọn chủ đề cũng như tiến hành lập kế hoạch kiểm toán, đề xuất một số chủ đề kiểm toán tiềm năng xuất phát từ lợi ích chung giữa các KTNN thành viên./.

THANH XUYÊN