Bình Dương: Giải ngân hơn 743 tỷ đồng vốn vay chính sách cho người nghèo

Địa phương - Ngày đăng : 22:24, 14/07/2023

(BKTO) - ​Đó là thông tin tại cuộc họp về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Dương diễn ra mới đây.
20210514-09.jpg
Bình Dương giải ngân hơn 743 tỷ đồng vốn vay chính sách cho người nghèo. Ảnh sưu tầm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đư​ợc giao, phân bổ kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách cho các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 

6 tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn đạt gần 4.358 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt trên 743 tỷ đồng với 12.887 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đạt 4.252 tỷ đồng với 82.218 khách hàng còn dư nợ.

Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên 4.218 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 99% tổng dư nợ với 82.073 thành viên được vay vốn của 1.674 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tại 89 điểm giao dịch cấp xã của hệ thống NHCSXH công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình cho vay, nội dung giao dịch… để tổ chức, cá nhân kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Sau khi nghe ý kiến các Sở, ngành, đoàn thể, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH yêu cầu Ban đại diện căn cứ các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai các chỉ tiêu tín dụng chính sách được giao, đảm bảo nguồn vốn vay cho các đối tượng, gắn với việc kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả vốn vay.

Đồng thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế cân đối vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; huy động sự tham gia của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng công an trong xác nhận đối tượng vay vốn và xử lý nợ xấu.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đổi mới chương trình tín dụng chính sách xã hội, như: chủ động lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương; quan tâm bố trí nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn một cách hiệu quả, thiết thực…

Tỉnh cũng xây dựng, ban hành tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn địa phương từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương; chỉ đạo điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo định kỳ hàng năm, đột xuất kịp thời để nhận diện đối tượng làm cơ sở cho NHCSXH thực hiện cấp tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, tỉnh thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo…

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, thông qua hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua đã góp phần tích cực giúp gần 47 nghìn lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 200 nghìn lao động; gần 45 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập.

 Đồng thời đã xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hơn 290 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh; gần 1.000 hộ vay vốn xây mới, sữa chữa nhà ở, mua thuê mua nhà ở xã hội; 237 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 124 nghìn người lao động./.

N.LỘC