Nâng cao chất lượng đánh giá văn bản quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:30, 17/07/2023

(BKTO) - Các văn bản quản lý nhà nước (QLNN) mà kiểm toán viên gặp phải trong quá trình kiểm toán tại các đơn vị rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có quy trình đánh giá một cách chặt chẽ và khoa học.
1(1).jpg
ThS. Nguyễn Anh Vân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III - trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiều 17/7, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Nguyễn Anh Vân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III và ThS. Phan Thanh Hải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II - đồng chủ nhiệm.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban Đề tài.

5.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Nguyễn Anh Vân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III, từ kết quả kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công.

Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản quản lý mà kiểm toán viên nhà nước gặp phải rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên sâu về pháp luật, cần nhiều thời gian để đánh giá. Trong khi đó, KTNN chưa xây dựng được quy trình đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán nên chưa bảo đảm tính chuyên nghiệp và khoa học khi kiểm toán nội dung này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia các đoàn kiểm toán, Ban Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất Quy trình đánh giá văn bản QLNN trong tổ chức thực hiện kiểm toán của KTNN và các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Theo đó, Ban Đề tài đã đề xuất 3 quan điểm và 5 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán: Xây dựng Quy trình đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN;

Nâng cao kỹ năng cập nhật và áp dụng pháp luật cho công chức, kiểm toán viên nhà nước;

Nâng cao chất lượng công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa KTNN với cơ quan kiểm tra văn bản trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, xử lý và theo dõi xử lý văn bản trái pháp luật.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Ban Đề tài còn đề xuất các điều kiện để thực hiện giải pháp thông qua các kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, KTNN và đơn vị được kiểm toán.

2(1).jpg
Các thành viên của Hội đồng nghiệm thu góp ý cho Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên của Hội đồng đều đánh giá Đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh KTNN cần phải nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán.

Đặc biệt, các kiến nghị và 5 nhóm giải pháp Ban Đề tài đưa ra là thành công lớn nhất của Đề tài, có giá trị tham khảo quan trọng cho lãnh đạo KTNN và các đơn vị trực thuộc KTNN đối với việc nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

3.jpg
TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán - khuyến nghị nhóm nghiên cứu bổ sung kinh nghiệm quốc tế về việc đánh giá văn bản QLNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Để Đề tài hoàn thiện hơn nữa, các thành viên Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban Đề tài bổ sung thêm nội dung về yêu cầu của đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán. Về kinh nghiệm quốc tế, các tác giả cần nghiên cứu cách thức tiếp cận việc đánh giá văn bản cũng như thực hiện việc đánh giá văn bản của các Cơ quan Kiểm toán tối cao để tăng giá trị ứng dụng cao hơn cho KTNN Việt Nam.

Đối với nội dung về thực trạng đánh giá văn bản QLNN của KTNN, Ban Đề tài có thể nghiên cứu thực trạng tổ chức đánh giá gắn với từng loại hình và lĩnh vực kiểm toán, đồng thời đánh giá thực trạng về quy trình và các nhân tố tác động. Ngoài ra, các tác giả xem xét, bổ sung làm rõ thực trạng việc gửi kiến nghị tới Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành chủ quản về việc hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản; thực trạng việc theo dõi việc thực hiện kiến nghị của KTNN đối với các kiến nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản...

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá./.

THÙY LÊ