Tổng kiểm toán chỉ rõ: Sabeco điển hình chuyển giá
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:15, 25/07/2018
(BKTO) - “Bệnh” chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI, mà đã có dấu hiệu lan rộng sang cả các DN trong nước, gây thất thu ngân sách, điển hình là trường hợp của Sabeco khi bị truy thu 408 tỷ đồng.
Rất nhiều con số được công bố gần đây cho thấy thực trạng bức tranh chuyển giá diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, với số tiền bị truy thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tại Hội thảoChuyển giá- những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay, do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Anh quốc tổ chức ngày 19/7, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (ĐH Fullbright), nhận xét, nếu con số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy các DN FDI lỗ khá cao, liên tục tăng (có đến 37,9% DN FDI báo cáo lỗ trong năm 2017) thì con số Bộ Tài chính đưa ra còn cao hơn.
Sabeco là điển hình chuyển giá, gây thất thu ngân sách
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn dẫn chứng, giai đoạn 2011-2017, qua kiểm tra 13.500 DN, Bộ Tài chính đã giảm lỗ 32.400 tỷ đồng; tăng thu, xử phạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Và một thực tế phơi bày: tỷ lệ lỗ mất vốn, lỗ âm vốn đang tăng là vậy, nhưng các DN lại vẫn mở rộng quy mô đầu tư.
Thất thoát ngân sách có thể coi là tác động hiển nhiên đầu tiên do hành vi chuyển, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền - PGS-TS. Lê Xuân Trường Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, nhận xét.
Tuy nhiên, TS. Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước - cho hay, không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay, nhiều doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá, làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó tiêu biểu là vụSabeco.
Theo PGS-TS. Nguyễn Đình Hòa, quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN), tại cuộc kiểm toán Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) năm 2015 của KTNN năm ngân sách 2014, KTNN đã phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng.
KTNN cũng kiến nghị số thuế tiêu thụ đặc biệt Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải nộp là 920,2 tỷ đồng, truy thu trong giai đoạn 2012-2015, cũng với hành vi tương tự Sabeco (vừa sản xuất, vừa tự phân phối).
“Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành” - ông Phớc nói.
Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành VI, còn cảnh báo tình trạng chuyển giá diễn ra tại các công ty con (Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ), công ty liên kết. Bởi, chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, cả nước sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó, CPH 508 đơn vị với tổng giá trị là 760.774 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Với số lượng và giá trị các doanh nghiệp CPH lớn như vậy, đồng nghĩa với việc khả năng chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao, từ đó đặt ra yêu cầu và thách thức lớn cho các cơ quan chuyên môn về việc chống chuyển giá.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, thách thức trong việc chống chuyển giá ở Việt Nam là bản chất phức tạp của hành vi chuyển giá, hết sức đa dạng và tinh vi. Ở Việt Nam, vấn đề chuyển giá vẫn còn mới, ngay cả nhiều nhân viên thuế chuyên trách cũng cảm thấy đây là vấn đề phức tạp.
Thậm chí, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán Kiểm toán Việt Nam, cho rằng, do Việt Nam hội nhập nên rất nhiều DN nước ngoài vào đầu tư. Hầu hết các báo cáo tài chính, chứng từ kế toán, sổ sách,... bằng tiếng nước ngoài, không chỉ tiếng Anh mà còn tiếng Nhật, tiếng Trung,... vậy trong số các cán bộ thuế, có bao nhiêu người đọc được?
Chưa kể, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, môi trường thể chế thiếu minh bạch, khuyến khích hành vi gian lận. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. Các vụ kiện về thuế thường đi vào bế tắc, tốn kém nhưng không mang lại kết quả tích cực.
Quan trọng hơn cả, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần đặt ra các điều kiện sòng phẳng với doanh nghiệp FDI liên quan đến các nghĩa vụ thuế khi hoạt động ở Việt Nam. Thay vì o bế quá mức, nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra nguyên tắc: anh tận dụng được các lợi thế kinh doanh, có lợi nhuận thì phải có trách nhiệm nộp thuế.
Theo Ngọc Hà
vietnamnet.vn