Giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tích cực
Đầu tư - Ngày đăng : 21:39, 19/07/2023
Tỷ lệ giải ngân trong tháng 6 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm
Bộ Tài chính cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư công của cả nước năm 2023 là 817.307,3 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn này cao hơn 33% so với tổng nguồn vốn của năm 2022 và gấp đôi mức bình quân cả giai đoạn 2016-2020. Lượng vốn này được giải ngân sẽ tác động rất lớn đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tổng kế hoạch vốn đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương là 804.420,3 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết còn 33.525,5 tỷ đồng, chiếm 4,85% kế hoạch vốn năm 2023. Hiện còn một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,21%), Bộ Y tế (71%), Bộ Thông tin và Truyền thông (72,24%), tỉnh Tuyên Quang (71,49%), tỉnh Hòa Bình (69,19%).
Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đạt 28,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%. Như vậy, số vốn giải ngân 6 tháng tăng khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 25,68%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 29,13% (cùng kỳ năm 2022 đạt 26,76%); vốn nước ngoài đạt 15,72% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61%).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn trong tháng 6 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước đó, điều này cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực. Đây là kết quả của việc thực thi quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân từ phía các Bộ, ngành, địa phương.
Một trong những minh chứng cho nhận định trên là Bộ Giao thông vận tải có tổng lượng vốn cần giải ngân lớn nhất trong các Bộ, ngành, gồm cả những dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam. Đến hết ngày 30/6/2023, Bộ đã giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Cùng với đó, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã và đang nỗ lực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử, tại TP. Hải Phòng, tính đến hết tháng 6, địa phương này đã giải ngân được 7.288 tỷ đồng, đạt 59,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 35% tổng kế hoạch vốn. Đáng chú ý là các dự án của 4 ban quản lý trên địa bàn Thành phố đều có tỷ lệ giải ngân cao, dẫn đầu là Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng hiện có tỷ lệ giải ngân đạt 57% kế hoạch vốn được giao.
Hiện tại, các Bộ, ngành, địa phương đang gấp rút thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Đối với các dự án đang triển khai thi công, Bộ sẽ yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, sớm có đủ khối lượng nghiệm thu để thanh toán vốn.
Còn tại Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố - cho biết, địa phương đang rà soát toàn bộ vấn đề phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật đầu tư công. Hà Nội không chỉ thúc đẩy giải ngân đầu tư công mà còn thúc đẩy cả đầu tư ngoài ngân sách…
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nói riêng và vốn đầu tư công trung hạn đạt 95% trở lên là hoàn toàn khả thi.
Sự chuyển biến của công tác giải ngân trong tháng 6 và việc các Bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai các giải pháp thời gian gần đây sẽ là động lực cho giải ngân đầu tư công tăng tốc vào nửa năm còn lại.
Cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp
Mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công đã có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn 39 Bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 Bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% kế hoạch vốn. Chính vì vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là nhiệm vụ nặng nề trong những tháng cuối năm, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp đã đề ra.
“Đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công là cần thời gian để các nhà thầu thi công tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu, thanh toán. Do đó, tỷ lệ giải ngân thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Hơn nữa, từ năm 2021 tới nay, giải ngân vốn đầu tư công thường đạt trên 90% kế hoạch được giao. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân đạt 95% vốn đầu tư công như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch.
Đối với kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân năm 2022 sang năm 2023, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5258/BTC-ĐT ngày 23/5/2023 hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân kế hoạch nguồn vốn trên đảm bảo đến ngày 31/12/2023 giải ngân hết toàn bộ số vốn đã được thông báo…/.