Hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế - Ngày đăng : 20:01, 23/07/2023
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các tỉnh, thành sẽ thống nhất phối hợp trên bình diện TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cấp độ chính và bao trùm trên cơ sở dựa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nơi được xem là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hai cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để các tỉnh thành thiết kế xây dựng chương trình phối hợp và triển khai.
TP. Hồ Chí Minh có các nội dung phối hợp trực tiếp và song phương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cụ thể, chi tiết. Các nội dung trong Kế hoạch thỏa thuận hợp tác chỉ là khung mở để các địa phương có thể trao đổi, thảo luận và bổ sung mở rộng cho phù hợp với thực tế.
Hiện tại các bên đã thành lập tổ điều phối. Đối với các hợp tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn các cấp ngành tích cực thực hiện nhằm góp phần thực hiện huy hoạch chung của vùng.
Theo kế hoạch, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong các năm 2024-2025, các địa phương tập trung thực hiện 5 lĩnh vực, gồm: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động. TP. Hồ Chí Minh đã phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực theo dõi, thành lập các đầu mối cụ thể đối với 5 lĩnh vực nêu trên nhằm xây dựng, theo dõi thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Từ kết quả của các sự kiện bên lề như Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023-2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ; Chương trình tọa đàm về Dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ bày tỏ sự trân trọng trước sự hỗ trợ nhiệt tình của TP. Hồ Chí Minh đối với TP. Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kỳ vọng người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, kỹ thuật khoa học hàng đầu mà TP. Hồ Chí Minh đang có. Phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, chuỗi logistic hiện đại, kết nối và phát triển các doanh nghiệp của các vùng, hỗ trợ tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP của vùng vào các địa điểm phân phối của TP. Hồ Chí Minh. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực chủ động kết nối, phối hợp, liên kết chặt chẽ cùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc cụ thể hóa các nội dung làm cơ sở để bổ sung ký kết các chương trình hợp tác và tạo điều kiện để cùng nhau phát triển trong thời gian tới./.