BSR đặt mục tiêu trở thành Công ty năng lượng tích hợp hàng đầu châu Á
Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 24/07/2023
Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương tại Hội thảo “Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khi nhận định rằng, thời gian tới, BSR sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh, khủng hoảng thừa - thiếu của thị trường năng lượng, biến động địa chính trị một số khu vực…
Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ ngành Dầu khí phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ và BSR cũng phải chuyển mình theo xu hướng đó.
Trong đó, Nghị quyết 26-NQ/TW định hướng lấy Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là hạt nhân, xây dựng NMLD Dung Quất là Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi.
Trên cơ sở đó, BSR sẽ đánh giá cơ hội đầu tư, tận dụng lợi thế hạ tầng để đón đầu các xu hướng mới, tận dụng hạ tầng sẵn có của NMLD Dung Quất làm trục tâm phát triển hóa dầu và năng lượng.
Để thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai, BSR đã thuê tư vấn nước ngoài lập Đề án Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hiện Đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình lãnh đạo Tập đoàn xem xét, phê duyệt.
Nội dung Đề án tập trung xây dựng và phát triển BSR trở thành Công ty năng lượng tích hợp hàng đầu khu vực, nòng cốt của Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi.
Hoạt động của BSR sẽ đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nộp ngân sách nhà nước, hoàn thành kế hoạch ngắn (hàng năm), trung hạn (5 năm) và dài hạn của PVN; cũng như đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam về công tác bảo vệ môi trường tại Hội nghị COP26.
Theo Dự thảo Đề án, đến năm 2030, BSR sẽ đẩy mạnh và hoàn thành Dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất (dự kiến hoàn thành trong năm 2028); đẩy mạnh phát triển hóa dầu.
Đến 2045, BSR nâng công suất toàn Nhà máy lên khoảng 9,3 triệu tấn (bao gồm công suất toàn Nhà máy sau nâng cấp và công suất các sản phẩm hóa dầu và hóa chất đầu tư thêm).
Cùng với đó, BSR sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, các dự án tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải carbon. Với tầm nhìn đặt ra tới năm 2045, BSR trở thành “Công ty năng lượng tích hợp hàng đầu châu Á vì mục tiêu phát triển bền vững”.
Theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, thách thức trong sản xuất sản phẩm lọc dầu và hóa dầu là rất lớn, đầu tiên chính là sản phẩm hiện tại cạnh tranh ở mức độ nào tại Việt Nam và thế giới; thách thức tiếp theo là cách thức để làm ra sản phẩm hóa dầu mới có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Do đó, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và có cơ chế thu hút nhân lực giỏi lĩnh vực lọc hóa dầu - GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng khuyến nghị.
Từ năm 2014 đến nay, nhờ phát huy nội lực, công tác nghiên cứu và phát triển của BSR giúp tạo thêm doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng từ các giải pháp khoa học kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất. Hiện nay, BSR đang xây dựng chính sách thuê chuyên gia nước ngoài để tạo động lực và đẩy mạnh nghiên cứu với mục tiêu tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh, BSR cần phải tận dụng cơ hội chính sách là Nghị quyết 26-NQ/TW; cập nhật thêm giải pháp cho chiến lược phát triển đến năm 2045.
Lợi thế lớn của BSR hiện nay là có NMLD Dung Quất với lực lượng lao động có tay nghề, giàu kinh nghiệm. Vì vậy, nếu thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sẽ là cơ sở thực tiễn để ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Về đầu tư, BSR nên hợp tác đầu tư sâu rộng với nước ngoài trong các dự án hóa dầu nhằm chia sẻ rủi ro và tận dụng lợi thế công nghệ của các tập đoàn năng lượng lớn nước ngoài.