Cần làm gì để “đều vẻ vang như nhau”?

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 14:29, 24/07/2023

(BKTO) - Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
2-.jpg
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh tư liệu

Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh việc phát huy sự đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, xác định mỗi người dân khi làm tròn trách nhiệm với đất nước thì đều được đánh giá là tích cực, vẻ vang.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự vẻ vang của mỗi người, dù họ làm gì, trong công việc nào, được thể hiện ở việc họ hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt trách nhiệm của mình với đất nước. Tháng 3/1961, khi bàn về Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh nêu: “Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”.

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, ai mà cố gắng vượt khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì luôn xứng đáng là những chiến sĩ, những anh hùng. Ngày 25/6/1952, tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Hồ Chí Minh chỉ ra: “Có người đánh giặc, có người công nhân, có nông dân, có y tá, có bác sĩ, có dân công, có người nấu ăn. Người nào vượt khó khăn làm tròn nhiệm vụ, đó là anh hùng”. Đến tháng 01/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ ngành thương binh, cựu binh, nhân Hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh, trong thư có đoạn: “Công việc bất kỳ to nhỏ, bất kỳ ngành nào, địa vị bất kỳ cao thấp - đều vì kháng chiến, vì dân tộc. Cho nên công việc nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và những người quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đều là chiến sĩ, anh hùng”. Khi nói chuyện với các anh hùng mới được tuyên dương, ngày 31/8/1955, Người xác định: “Cách mạng có nhiều công việc, việc nào cũng là phục vụ nhân dân, việc nào cũng là quan trọng. Có tinh thần cách mạng làm tròn nhiệm vụ thì làm gì cũng có thể trở thành anh hùng được”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán những quan điểm, nhận thức không đúng về vấn đề trên. Người cho rằng không có công việc nào là sang, công việc nào là hèn, mà bất kỳ công việc gì nếu có ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội thì đều là vẻ vang. Người phê phán những biểu hiện ham hố chức quyền, suy tỵ, kèn cựa: “Các cô, các chú có biết đối với cách mạng, cái gì cao quý nhất? Được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả. Không phải thấy người này chánh, người khác phó, bậc này cao, bậc kia thấp mà suy tỵ, kèn cựa”.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra cần phải phòng, tránh tình trạng nói không đi với làm, lười biếng, tiêu cực. Tháng 6/1968, cho ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Người nói: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không? Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho làm việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng, ngày 30/5/1957, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì nếu lười biếng, nếu dùng cách không chính đáng để kiếm tiền như bọn đầu cơ tích trữ thì đều không vẻ vang”.

Hồ Chí Minh luôn thể hiện quan điểm dù ở địa vị nào, làm công tác gì, mỗi người chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân, nên phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Người căn dặn muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, trong đó ai cũng cần chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm ở bất kỳ địa vị nào, làm công việc gì, gặp hoàn cảnh như thế nào. Theo Hồ Chí Minh, nếu có tinh thần trách nhiệm, lại có ý chí quyết tâm, có sáng kiến, cần cù, chịu khó thì chắc chắn sẽ thực hiện được mọi nhiệm vụ. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10/1947, Người viết: “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”. Người luôn dặn dò rất cụ thể trong mọi công việc, dù là việc to hay việc nhỏ đều “phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết tâm cho thành công”.

Trong suốt các giai đoạn cách mạng, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, các thế hệ người Việt Nam không phân biệt công việc, tuổi tác… đều đồng tâm, nhất trí đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Thông qua các phong trào cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động sâu rộng, phong phú, sinh động, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã huy động được sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến của từng tập thể, cá nhân, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của đất nước.

Hiện nay, nhiệm vụ cách mạng đang tiếp tục đặt ra yêu cầu mỗi người dân Việt Nam phải hoàn thành tốt trách nhiệm, tình cảm của mình với Tổ quốc. Muốn vậy, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải có các chủ trương, biện pháp tích cực, phù hợp, trong đó có các phong trào thi đua, các cuộc vận động, để huy động được sức mạnh to lớn của cả cộng đồng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phong trào thi đua yêu nước: “Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của Bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân”./.

CÔNG MINH