Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:46, 23/07/2023

(BKTO) - Với phương châm “làm ít nhưng chất”, năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã cắt giảm nhiệm vụ kiểm toán; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán để đảm bảo nhiệm vụ kiểm toán được thực hiện theo đúng quy định, cũng như từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán.
dsc_2961.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín: Trước khi tiến hành kiểm toán, đơn vị đã quán triệt đến kiểm toán viên về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ. Ảnh: N.Lộc

Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Chỉ thị về tổ chức thực hiện KHKT, trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước về thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ... 

"Đây chính là những cơ sở quan trọng mà các đơn vị kiểm toán cần bám sát thực hiện trong suốt quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán đến khi phát hành báo cáo kiểm toán" - ông Tuấn cho biết.

Quán triệt những chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, trải qua 6 tháng đầu năm, việc triển khai nhiệm vụ kiểm toán của đơn vị đã cơ bản đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng đề ra.

Để có được kết quả này, trước khi triển khai kiểm toán, đơn vị đã quán triệt đến toàn thể công chức và người lao động về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023, đặc biệt là quán triệt Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

dsc_2822.jpg
Kiểm toán viên đã bám sát kế hoạch, phương án kiểm toán và các quy định về hoạt động kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Trong suốt quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả kiểm toán định kỳ; lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, đánh giá tiến độ, kết quả kiểm toán, qua đó công tác quản lý kiểm toán viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được bảo đảm chặt chẽ; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán.

“Các đoàn kiểm toán tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kiểm toán để phổ biến các kết quả kiểm toán chủ yếu và đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành, thực hiện kiểm toán” - Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín cho biết. 

Từ kinh nghiệm của đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII Phạm Văn Học cho biết, bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc chuẩn bị tốt nhất cho nhiệm vụ kiểm toán, đơn vị đặc biệt coi trọng đến việc bố trí nhân sự tham gia đoàn kiểm toán. Trong đó, đơn vị đã lựa chọn nhân sự cho các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán công khai, dân chủ, hợp lý, đảm bảo sự phù hợp giữa nhiệm vụ với trình độ, năng lực của kiểm toán viên để kết quả kiểm toán đạt cao nhất. “Bên cạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đơn vị cũng chú trọng phát hiện để kịp thời biểu dương, khen thưởng kiểm toán viên có thành tích tốt trong quá trình kiểm toán” - ông Học cho biết.

Tập trung vào công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán 

Cùng với việc chỉ đạo tập trung làm tốt nhiệm vụ kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cũng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), công tác thanh tra công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực thuộc cũng như kiểm toán viên, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tính đến 30/6, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã thực hiện giám sát 92 đoàn kiểm toán, thực hiện và hoàn thành 2 cuộc KSCLKT trực tiếp, triển khai thực hiện cuộc kiểm soát việc tổ chức KSCLKT đối với 01 chuyên ngành

Theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết, qua công tác kiểm soát, nhìn chung, các đoàn kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán. 

Công tác kiểm soát của các đơn vị ngày càng được tăng cường; nhiều đoàn kiểm toán có kết quả phát hiện tốt, có kiến nghị xử lý tài chính cao, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững; chế độ báo cáo định kỳ được duy trì, qua đó giúp lãnh đạo KTNN, thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các đoàn kiểm toán thực hiện đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán. 

dsc_2840.jpg
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát là giải pháp quan trọng để đảm bảo hoạt động kiểm toán được thực hiện theo đúng quy định. Ảnh: TS

Từ thực tiễn tại đơn vị, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết, xác định vai trò quan trọng của công tác KSCLKT, đơn vị đã chú trọng thực hiện công tác này ngay từ sớm và xuyên suốt trong quá trình kiểm toán đến khi phát hành báo cáo kiểm toán với nhiều hình thức kiểm soát, gắn với trách nhiệm của Kiểm toán trưởng. 

Theo đó, đơn vị đã tổ chức hoạt động KSCLKT các đoàn kiểm toán theo hình thức kết hợp giữa kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất trên cơ sở rà soát, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kiểm toán của các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. 

Việc kiểm soát này đã giúp Kiểm toán trưởng có chỉ đạo kịp thời đối với các đoàn kiểm toán trong việc rà soát nội dung thực hiện kiểm toán, đánh giá; cũng như thu thập bằng chứng cho các đánh giá, kết luận kiểm toán; đồng thời giúp kiểm toán viên đảm bảo thực hiện đúng theo quy trình kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp.

Còn theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm, trong bối cảnh KTNN đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, với nhiều loại hình, nội dung kiểm toán mới và khó, đòi hỏi hoạt động KSCLKT cần được tăng cường, đổi mới liên tục để nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán. Mục tiêu là đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của KTNN một cách thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì thực hiện; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán; đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán và chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán của đơn vị.

“Việc thực hiện tốt công tác KSCLKT còn giúp quản lý chặt chẽ các thành viên đoàn kiểm toán, bảo đảm tuân thủ đạo đức công vụ cũng như giúp phòng ngừa vi phạm” - ông Kiểm cho biết./.

N.LỘC