An Giang: Phấn đấu mỗi năm thành lập mới trên 800 doanh nghiệp
Địa phương - Ngày đăng : 12:46, 26/07/2023
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo đó, Kế hoạch xác định mục tiêu chung là hỗ trợ và phát triển DN có năng lực thích ứng với tình hình mới, phát triển đa dạng mọi loại hình DN, gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế và năng lực cạnh tranh của DN theo hướng bền vững.
Đồng thời, tạo thuận lợi để các DN hoạt động và mở rộng quy mô, hình thành một số DN “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, từ đó tác động lan tỏa đến phát triển DN của tỉnh.
Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị cung ứng các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, của cả nước và quốc tế; đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.
Mục tiêu cụ thể là, phấn đấu đến năm 2025 mỗi năm có trên 800 DN được thành lập; giai đoạn 2026-2030 mỗi năm có trên 1.000 DN được thành lập, trong đó có 70 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
Phát huy tối đa nguồn lực để DN khu vực kinh tế tư nhân phát triển ổn định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 85%, đến năm 2030 đạt 90%.
Đến năm 2025, hỗ trợ khoảng 20 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, trong đó ít nhất 10% dự án, ý tưởng được mở rộng đầu tư. Đến năm 2030, hỗ trợ 50 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, trong đó 30 DN khởi nghiệp có sản phẩm thương mại hóa.
Đến năm 2030, hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa đều có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ DN tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.