Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị bố trí vốn đầu tư cho dự án lưới điện Côn Đảo

Đầu tư - Ngày đăng : 11:28, 26/07/2023

(BKTO) - Ngày 25/7, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất được cấp vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai dự án điện lưới ra Côn Đảo.
250720230958-anh-tho-chru-tich.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, việc cung cấp năng lượng trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, đặc biệt là cung cấp điện và khí thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Tổng công suất nguồn phát điện toàn tỉnh đến năm 2021 đạt khoảng 4.909 MW. Cơ cấu nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu là nhiệt điện khí, không có nguồn nhiệt điện than, chưa có nguồn điện gió, thủy điện với quy mô rất nhỏ.

Dự báo, nhu cầu công suất cực đại của tỉnh đạt khoảng 2.331MW (vào năm 2025) và 3.335MW (vào năm 2030), với năng lực truyền tải và phân phối của lưới điện với tổng công suất nguồn điện hiện tại, chưa kể các dự án nguồn điện sẽ triển khai đầu tư trong giai đoạn 2023-2030 theo Quy hoạch điện VIII thì khả năng cung cấp nguồn điện cho tỉnh vẫn đáp ứng tốt.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để EVN có cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, sau các trình tự thủ tục cấp vốn, bước giao vốn sẽ gặp khó khăn bởi không thể giao trực tiếp cho EVN - doanh nghiệp nhà nước. Nếu giao cho Bộ Công Thương thì Bộ cũng không thể giao vốn hàng năm cho EVN bởi EVN không phải đơn vị trực thuộc.

Vì vậy, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng địa phương đã có sự thống nhất nhưng do vướng các quy định pháp luật về sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Quản lý sử dụng tài sản công nên đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 phương án khả thi nhất. Phương án thứ nhất là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, giao EVN là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm thực hiện dự án; sau khi thực hiện xong thì bàn giao tài sản về cho EVN, lúc đó là tăng vốn nhà nước cho EVN.

Phương án thứ hai là Quốc hội ra một nghị quyết cho phép giao vốn cho Bộ Công Thương, Bộ Công Thương được giao hàng năm cho EVN để thực hiện…

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin đề nghị cấp vốn, sau khi có phương án cụ thể, EVN cũng sẽ khẩn trương phấn đấu hoàn thành các kế hoạch, đến năm 2026 sẽ hoàn thành.

Trong thời gian từ nay đến đó, để đảm bảo kế hoạch phát triển điện cho Côn Đảo, EVN đã đầu tư thêm 6 MW là diesel và đang ở giai đoạn triển khai thực hiện; dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa thêm các tổ máy diesel bổ sung cho Côn Đảo.

Chủ trì cuộc làm việc, liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, hiện các đảo Phú Quý, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Chàm đều đã triển khai xong việc cung cấp điện ổn định, chỉ còn Côn Đảo, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt là chưa có, cần phải được ưu tiên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Bộ Công Thương và các cơ quan, nghiên cứu phương án kéo điện là ưu tiên đầu tiên hay là điện gió, điện mặt trời, để đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, để triển khai việc kéo điện ra Côn Đảo càng sớm càng tốt.

Đ. KHOA