Hà Nội cần phát triển nhanh hơn, bù vào thời kỳ dịch bệnh.
Chính trị - Ngày đăng : 16:21, 26/07/2023
Kinh tế phục hồi ấn tượng qua từng năm
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%).
Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Tổng chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178,5 nghìn tỷ đồng (đạt 82,8% dự toán).
Thu ngân sách của Hà Nội vượt dự toán hàng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng. Tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 hơn 656.000 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao.
Thành phố đã đã bố trí hơn 1.500 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Hơn 225 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Thực hiện cho vay ưu đãi 189 tỷ đồng đối với gần 2.800 khách hàng thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố.
Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất là 162 tỷ đồng; Hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vay thông qua ngân hàng thương mại là 34,42 tỷ đồng…
Ngoài ra, Thành phố có 85.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được giảm thuế VAT với số tiền 19,4 nghìn tỷ đồng. Gia hạn thời hạn nộp thuế VAT cho hơn 18.600 đơn vị với số tiền gần 20,5 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đơn vị đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thể chế vượt trội cho Hà Nội phát triển
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện rõ việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố; Kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội...
Xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật chuyên ngành
Phát biểu kết luận buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các cân đối lớn được đảm bảo, thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, chi ngân sách điều hành chủ động, linh hoạt...
Thời gian tới, Thành phố Hà Nội tiếp tục đánh giá, rà soát sâu hơn theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bù vào thời kỳ dịch bệnh. Trong đó, cần rà soát khả năng hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ, đánh giá thêm chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, rà soát chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX...
Về Dự án Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, việc quy định cơ chế chính sách đặc thù với Thủ đô là rất cần thiết. Các cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô khác với luật hiện hành về từng lĩnh vực, đồng thời phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng. Xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật chuyên ngành của Quốc hội sẽ ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực.
Các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô về tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, bế tắc, giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay như: cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, giải quyết các vụ án tồn đọng...
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có 3 nội dung quan trọng Thành ủy Hà Nội phải sớm trình Quốc hội là Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô. Với tinh thần tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai tốt nhất, nhanh nhất các quy định liên quan đến Thủ đô./.