Hà Nội chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có

Địa phương - Ngày đăng : 18:19, 26/07/2023

(BKTO) - Việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù giúp Thành phố Hà Nội chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
hn.png
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: dangcongsan.vn

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức đảng được đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Hoạt động của HĐND các cấp chuyển biến tích cực, rõ nét, đi vào thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền được giữ ổn định và ở mức cao.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đặc thù

Thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, đến nay, UBND Thành phố đã đề xuất 4 nội dung về phí; Thông qua Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Về cơ chế sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để đầu tư phát triển, Thành phố dự kiến nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2021 bố trí 2 nghìn tỷ đồng.

Đối với cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển, giai đoạn 2021-2023, HĐND Thành phố đã cho phép sử dụng gần 3.765 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố để chi đầu tư phát triển và cho phép một số quận sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp quận để chi đầu tư phát triển là 7.881 tỷ đồng.

Về cơ chế sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu, các cơ quan, đơn vị đã góp phần đảm bảo tính kịp thời hơn so với việc sử dụng vốn đầu tư công. Cơ chế, chính sách cho phép HĐND Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP đảm bảo định hướng của Trung ương và phù hợp với thực tế của địa phương.

Năm 2021, Thành phố đã giao dự toán thu, chi ngân sách cao hơn dự toán Trung ương giao. Năm 2022, Thành phố sử dụng 3.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển đảm bảo chỉ tiêu chi đầu tư Trung ương giao; Bố trí chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo các năm đều đảm bảo không thấp hơn dự toán Trung ương.

Việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô. Đồng thời, giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước./.

THÙY LÊ