“Cởi trói” cho đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công
Đầu tư - Ngày đăng : 09:20, 30/07/2018
(BKTO) - Chủ trương đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có nên việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc.
Thông chủ trương, vướng quy định
Điện ảnh là một trong những lĩnh vực thuộc ngành văn hóa có chủ trương chuyển từ Nhà nước cấp ngân sách sang đặt hàng sản phẩm từ sớm, song đến nay, nhiệm vụ này vẫn khó thực hiện.
Sau thành công của bộ phim được Nhà nước đặt hàng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt năm 2014, đến nay, chưa có phim nào được thực hiện theo cơ chế này. Trong khi mỗi năm, điện ảnh Việt có từ 40 - 50 phim của các đơn vị tư nhân được sản xuất thì điện ảnh nhà nước lại vắng bóng trong vài năm gần đây. Đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL) cho biết, sở dĩ có tình trạng này là bởi cơ chế đặt hàng, đấu thầu đang gặp nhiều vướng mắc chưa thể khai thông.
Mới đây, bộ phim “Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo” do một hãng phim tư nhân sản xuất đã được Bộ VH,TT&DL phê duyệt đầu tư đặt hàng theo kế hoạch năm 2015-2017. Phim được tài trợ 70% kinh phí sản xuất từ NSNN và 30% kinh phí còn lại là huy động từ xã hội hóa. Như vậy, trong 4 năm (2015-2018), chỉ có một bộ phim nhà nước được thực hiện theo hình thức đặt hàng.
Khó khăn trong triển khai đấu thầu, đặt hàng sản phẩm cũng là tình trạng chung mà ngành giáo dục đang gặp phải. Tại buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) về Dự thảo Nghị định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN (Dự thảo Nghị định) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng còn rất chậm. “Các Bộ, ngành cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm khi suốt 3 năm qua không xây dựng được cơ chế đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho trường ĐH tự chủ” - Phó Thủ tướng nói.
Một minh chứng là Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng chủ động xây dựng Đề án Thí điểm đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Học viện, nếu so sánh với Dự thảo Nghị định thì Đề án này không thể thực hiện được. “Sau tự chủ, nguồn thu từ học phí của Trường tăng theo lộ trình nhưng nguồn từ NSNN đã giảm, trong khi không có đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học” - lãnh đạo Học viện cho biết.
Lắng nghe phản ánh về vướng mắc, bất cập khi tiếp cận cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng dịch vụ công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại Dự thảo Nghị định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện được cơ chế đặt hàng theo quy định của pháp luật.
Chú trọng huy động các nguồn lực xã hội
Trên thực tế, việc triển khai cơ chế đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN nảy sinh những vướng mắc ở nhiều khâu; việc tiếp cận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công của DN tư nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn... Do đó, việc xây dựng quy định mới về cơ chế này theo Dự thảo Nghị định là cần thiết.
Tuy nhiên, như góp ý của nhiều chuyên gia, để đảm bảo tính khả thi cũng như thuận lợi hơn cho các đơn vị khi tham gia đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công, Dự thảo Nghị định cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn nữa, đặc biệt là trong việc xác định danh mục, định mức, số lượng đào tạo, đơn vị đặt hàng…
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định) Nguyễn Trường Giang cũng thừa nhận, nếu Nghị định được ban hành như Dự thảo thì các Bộ chuyên ngành sẽ phải mất vài năm để ban hành danh mục, phê duyệt định mức kỹ thuật… Do đó, Ban Soạn thảo sẽ xem xét điều chỉnh lại các quy định này cho phù hợp hơn.
Trong khi đó, chia sẻ với Báo Kiểm toán về Dự thảo Nghị định, ông Trần Văn Quảng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng về cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức cũ mà chưa có thay đổi căn bản, điều này sẽ không khuyến khích được các DN tham gia. Theo ông Quảng, dịch vụ công bấy lâu nay giống như miếng bánh mà không DNNN nào muốn buông bỏ. Ngay cả trong Dự thảo Nghị định đang được xây dựng, các quy định vẫn chưa thực sự cởi mở với DN tư nhân.
Nhìn vào thực trạng chất lượng dịch vụ công hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, so với số tiền được Nhà nước đầu tư, chất lượng các dịch vụ công (chủ yếu do các DNNN thực hiện) đang ở mức thấp, chưa tương xứng. Do đó, chính sách đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công phải hướng đến việc trao cơ hội, kêu gọi các DN tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018