Kiểm toán dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 4,4 tỷ đồng

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 18:52, 28/07/2023

(BKTO) - Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (Dự án) hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tăng sản lượng điện lưới quốc gia, tăng doanh thu cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, một số gói thầu chậm tiến độ, giải ngân vốn ODA đạt thấp… là những bất cập cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý, thực hiện Dự án.
da-nhim.jpg

Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tăng sản lượng điện lưới quốc gia. Ảnh sưu tầm

Tận dụng được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp

Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản đợt 1 tài khóa 2013 tại Văn bản số 846/TTg-QHQT ngày 14/6/2013; được Bộ Công Thương phê duyệt Dự án tại Quyết định số 9634/QĐ-BCT ngày 24/9/2013.

Việc đầu tư Dự án nhằm cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với công suất lắp máy 800MW, sản lượng tăng thêm toàn Nhà máy bình quân hằng năm 99 triệu kWh; chuyển đổi chế độ vận hành Nhà máy từ chạy đáy sang chạy đỉnh, góp phần tăng ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 1.952 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là hơn 1.569 tỷ đồng (tương đương 85%), được bố trí cho các hạng mục gói thầu xây lắp, thiết bị và tư vấn giám sát; vốn của chủ sở hữu là gần 293 tỷ đồng (tương đương 15%) bố trí cho các hạng mục, gói thầu còn lại.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, quá trình thực hiện Dự án, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan cơ bản thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, Hiệp định vay vốn, thỏa thuận cho vay lại và các quy định, hướng dẫn có liên quan của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục đầu tư. Dự án được phê duyệt phù hợp với Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng ban hành áp dụng cho Dự án.

Theo báo cáo thẩm định nguồn vốn vay ODA, Dự án đủ khả năng cân đối, trả nợ vốn và khả thi về kinh tế. Công tác khảo sát, lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán tuân thủ các quy định hiện hành…

Công tác lựa chọn nhà thầu tuân thủ theo quy định Hướng dẫn đấu thầu đối với các khoản vay ODA Nhật Bản và các quy định hiện hành. Đặc biệt, KTNN chỉ rõ, thông qua công tác đấu thầu các gói thầu xây lắp giảm được hơn 56,6 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt (giảm 7%); các gói thầu mua sắm thiết bị giảm gần 123,4 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt (giảm 17,54%). Đồng thời, việc tận dụng được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài và có lợi về chêch lệch tỷ giá cũng làm tăng tính hiệu quả của Dự án.

Đến thời điểm kiểm toán, công trình đã hoàn thành và được Hội đồng kiểm tra nhà nước chấp nhận kết quả nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình để đưa vào khai thác sử dụng.

Chấn chỉnh sai sót, làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ

Bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ những hạn chế, sai sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán. Điển hình như dự toán gói thầu 12.02-(DNE-D2) cung cấp lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công vận dụng đơn giá chế tạo thiết bị cơ khí thủy công theo Quyết định số 2519/QĐ-BCN năm 2007 của Bộ Công nghiệp về ban hành đơn giá chế tạo thiết bị cơ khí thủy công một số công trình thủy điện nhưng chưa cung cấp tài liệu chứng minh sự phù hợp về biện pháp, yêu cầu kỹ thuật theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Đối với chi phí thiết bị trong dự toán gói thầu xây lắp chính 12.01-(DNE-D1) - Công tác xây dựng kiến trúc công trình chính và hai gói thầu thiết bị là 12.02-(DNE-D2), 12.03-(DNE-D3), nhà thầu tư vấn không thuyết minh phương pháp xác định chi phí thiết bị theo quy định (đối với các thiết bị chưa xác định được giá).

Báo cáo kiểm toán chỉ ra, chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán của Dự án với giá trị gói thầu hơn 33,3 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Tư vấn Điện 2 (PECC2) thực hiện, không thuộc trường hợp được chỉ định thầu theo quy định.

Tại gói thầu số 12-(DNE-C1) - Tư vấn giám sát công trình sử dụng vốn ODA, tuy nhiên chủ đầu tư ký Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh giá trị Hợp đồng lớn hơn giá gói thầu khi chưa được Bộ Công Thương chấp thuận. Mặt khác, nguồn vốn ODA thanh toán cho gói thầu đã hết hạn giải ngân theo quy định của Hiệp định vay vốn…

Ngoài ra, công tác tính toán khối lượng nghiệm thu từ bản vẽ hoàn công còn chưa chính xác dẫn đến giá trị nghiệm thu chưa đúng, đơn giá thanh toán hợp đồng còn sai sót phải thu hồi hoặc giảm thanh toán cho chủ đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng; nghiệm thu thiếu bản vẽ hoàn công (chưa đủ điều kiện) 328 triệu đồng.

Về công tác quản lý tiến độ, Dự án đã nghiệm thu, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12/2018 với công suất 45MW và chính thức hoà lưới điện với công suất thiết kế là 80MW vào tháng 8/2021.

Tuy nhiên, so với kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án (vận hành quý IV/2017) và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (vận hành năm 2018) là chậm tiến độ do: Công tác lập hồ sơ mời thầu, sơ tuyển và lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo các quy định và yêu cầu của JICA; việc thi công gói thầu số 12.01-(DNE-D1) chậm tiến độ so với Hợp đồng.

Tiến độ thực hiện một số gói thầu còn lại của Dự án phải đàm phán và ký Phụ lục gia hạn thực hiện Hợp đồng do việc thi công đường hầm dẫn nước bị chậm, dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ thi công cho phù hợp với tiến độ của Dự án và một số gói thầu chậm bàn giao mặt bằng do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 4,48 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Công ty DHD khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công gói thầu số 12.01-(DNE-D1) xác định nguyên nhân chậm tiến độ, xử lý trách nhiệm của các bên theo đúng quy định Hợp đồng; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những sai sót đã được KTNN chỉ ra trong quản lý dự án đầu tư./.

Theo kết quả kiểm toán, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Dự án chỉ đạt 76,53% trên tổng mức đầu tư. Nguyên nhân là do các hạng mục thanh toán bằng nguồn vốn ODA có tỷ lệ giảm thầu cao, không dùng hết chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu tiết kiệm được chi phí.

Ngoài ra, việc vướng mắc trong gia hạn thanh toán đối với gói thầu tư vấn giám sát dẫn đến không giải ngân được nguồn vốn ODA do hết thời gian giải ngân theo quy định tại Hiệp định vay số tiền hơn 27,5 tỷ đồng./.

Đ. KHOA