Thu hút nguồn lực, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực y, dược
Đầu tư - Ngày đăng : 22:00, 27/07/2023
Vốn đầu tư vào dược phẩm, y tế còn thấp
Thời gian qua, ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới. Trong hành trình phát triển đó, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp y dược trong và ngoài nước thông qua các dự án đầu tư, R&D, chuyển giao công nghệ đã góp phần vào sự phát triển của ngành.
Ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho biết, ngành dược Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng 10,6%. Việt Nam hiện có 228 nhà máy đạt GMP (nhà máy thực hành sản xuất tốt). Trong đó, có 07 cơ sở sản xuất vắc xin, thuốc sinh học; 51 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và 18 nhà máy đạt GMP EU/tương đương. Thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46% tổng giá trị tiền thuốc và 70% số lượng thuốc sử dụng.
Tuy nhiên, ngành dược Việt Nam chủ yếu sản xuất các thuốc generic giá trị thấp, nguồn vốn FDI vào dược phẩm và y tế còn rất khiêm tốn.
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, mặc dù nhu cầu lớn nhưng Việt Nam mới nhận khoảng 5,5 tỷ USD vốn FDI vào 341 dự án trong mảng dược phẩm, y tế, tương đương với 1,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo ông Sử, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn FDI rót vào mảng dược phẩm, y tế còn thấp. Đầu tiên, dược phẩm, y tế là ngành có sự thay đổi chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây, 100% lĩnh vực này do Nhà nước sở hữu chi phối, sau đó qua quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp tư nhân mới tham gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp cổ phần hoá với những con người cũ, tư duy cũ, quy trình cũ nên không thể chuyển hoá nhanh.
Về phía doanh nghiệp tư nhân cũng gặp rào cản lớn trong gia nhập thị trường bởi lĩnh vực dược phẩm, y tế đòi hỏi uy tín cao, nguồn vốn đầu tư nhiều nhưng xác suất để phát triển thành công một sản phẩm để có thể đưa ra thị trường là vô cùng thấp. Chưa kể, Việt Nam tồn tại những khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… gây hạn chế đáng kể cho sự phát triển của ngành dược phẩm, y tế Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group cho biết, trên phạm vi toàn cầu, hoạt động đầu tư vào dược phẩm rất lớn, với tổng đầu tư R&D vào khoảng 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 10.000 phương án thử nghiệm thuốc thì chỉ 1 sản phẩm thành công và chỉ 1/3 số thành công có thể đưa vào hoạt động thương mại.
“Trung bình tỷ trọng đầu tư vào R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược, mất 10 đến 15 năm và chi phí 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới, từ lúc nghiên cứu tới lúc thuốc được phê duyệt theo quy định. Đây là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ.” - ông Emin Turan lý giải.
Đổi mới chính sách, lấy khoa học công nghệ làm điểm tựa
Các chuyên gia đánh giá, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI vào ngành dược phẩm, y tế. Điều này thể hiện trên ba điểm.
Thứ nhất là sự ổn định về chính trị và hạ tầng xã hội; thứ hai, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế, thị trường nội địa tiềm năng và đang phát triển; thứ ba là sự chủ động hội nhập sâu rộng, thể hiện qua việc Việt Nam tham gia trên 15 hiệp định thương mại, trong đó có những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP…
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực y dược, đại diện Pharma Group khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Đồng thời, việc phát triển ngành dược phẩm, y tế phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Ngành dược đòi hỏi đầu tư về R&D rất cao, đòi hỏi hàm lượng về tri thức rất lớn cũng như đầu tư lớn về mặt công nghệ. Do đó nếu chúng ta muốn chiến lược phát triển ngành dược mạnh thì nhất định phải có sự hỗ trợ của các cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Trong khi đó, ông Luke Treloar - Trưởng Khối Tư vấn ngành y tế và khoa học đời sống (KPMG Việt Nam) nhấn mạnh, qua nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng để trở thành trung tâm khoa học đời sống của Đông Nam Á. Theo đó, ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên tập trung nghiên cứu để khai thác đó là: nội địa hóa sản xuất khoa học đời sống; chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tăng cường các hoạt động R&D tại Việt Nam và nên bắt đầu từ các thử nghiệm lâm sàng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Trịnh Văn Lẩu cũng cho rằng, để phát triển bền vững ngành dược, chúng ta cần có cuộc cách mạng về đổi mới và lấy khoa học, công nghệ làm điểm tựa, trên cơ sở khuyến khích nguồn vốn đầu trong nước và ưu tiên nguồn vốn FDI từ bên ngoài.
Muốn vậy, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích đầu tư một cách nhất quán đối với đầu tư trong nước và huy động nguồn vốn FDI. Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, giảm tối đa các thủ tục hành chính trong các quy định về ưu đãi, thu hút đầu tư để các DN, thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh ngành dược có hàm lượng khoa học, công nghệ, trí tuệ và giá trị sử dụng cao như: thuốc đặc trị được bào chế bằng công nghệ tiên tiến; chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc xin, thuốc sinh học phát minh còn bản quyền, thuốc Việt Nam chưa sản xuất được...