Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng, xăng dầu quốc gia tầm nhìn đến 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 15:32, 29/07/2023
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực.
Cụ thể, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050: Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165-184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294-311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75-80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và khoảng 80 - 85% năm 2050.
Tiết kiệm năng lượng khoảng 8 - 10% vào năm 2030 và khoảng 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.
Mức thải khí nhà kính khoảng 399 - 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050. Mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 17 - 26% vào năm 2030 khoảng 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Về phát triển ngành công nghiệp năng lượng, Quy hoạch phấn đấu khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước: Sản lượng khai thác dầu thô giai đoạn 2021-2030 đạt 6 -9,5 triệu tấn/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050 đạt 7 -9 triệu tấn/năm. Sản lượng khai thác khí tự nhiên giai đoạn 2021-2030 đạt 5,5-15 tỷ m3/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050 đạt 10 - 15 tỷ m3/năm. Sản lượng khai thác than giai đoạn 2021-2030 khoảng 41-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Định hướng giai đoạn 2031-2050, khoảng 39 triệu tấn than thương phẩm vào năm 2045, khoảng 33 triệu tấn than thương phẩm vào năm 2050. Phấn đấu trước năm 2040 đưa vào vận hành thử nghiệm khai thác tại Bể than sông Hồng và tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).
Đồng thời, tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực, hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế: Phấn đấu đến 2030, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch bao gồm sản xuất và sử dụng năng lượng, công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan tại Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Phát triển sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 100-200 nghìn tấn/năm. Định hướng đến năm 2050 quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 10-20 triệu tấn/năm.
Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
Cụ thể, đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Hạ tầng dự trữ thương mại: Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng.
Hạ tầng dự trữ quốc gia: Đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500-800 nghìn m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Đối với hạ tầng dự trữ khí đốt phấn đầu đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800 nghìn tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900 nghìn tấn giai đoạn sau năm 2030.
Đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.
Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu và hạ tầng dự trữ, cung ứng khí đốt./.