Amiăng trắng: Nên cấm hay sử dụng có kiểm soát?

Xã hội - Ngày đăng : 10:10, 30/07/2018

(BKTO) - Amiăng trắng là một chất độc hại đang được sử dụng nhiều tại Việt Nam để sản xuất các tấm lợp fibro xi măng. Tuy nhiên, lộ trình cấm sử dụng loại vật liệu này đang gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có đánh giá tổng thể hơn về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của loại vật liệu này trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng.


Chất độc hại gây ung thư

Amiăng là tên gọi chung của loại sợi khoáng silicate, được bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp cổ có nghĩa là “không thể bị phá huỷ”. Sợi amiăng được chia thành 2 nhóm chính là nhóm sợi amiăng nâu, xanh và nhóm sợi amiăng trắng. Amiăng nâu và xanh là loại sợi đã được chứng minh gây ra ung thư và bị cấm sử dụng hoàn toàn trên toàn thế giới từ những năm 1980. Trong khi đó, amiăng trắng vẫn đang được cho phép sử dụng tại 139 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước tiêu thụ khoảng 3,2% lượng amiăng trắng toàn cầu và nằm trong nhóm 10 nước tiêu thụ nhiều nhất.

Theo Bộ Y tế, amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ, đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường và móng nhà… Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi - amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính, ung thư thực quản... Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu, từ 20 - 30 năm nên thường đến khi nghỉ hưu mới mắc bệnh. Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng amiăng.

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp. Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng để phòng, chống các bệnh liên quan đến amiăng...
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp (Bộ Y tế) - nêu quan điểm: Lâu nay có nhiều ý kiến tranh cãi về amiăng trắng nhưng chúng ta cần cùng thống nhất là amiăng trắng độc hại; vì có độc hại, cộng thêm công nghệ sản xuất của Việt Nam không thể tiên tiến như ở nước ngoài nên các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp quản lý về cách sử dụng, tránh sử dụng sai cách và lộ trình phù hợp cấm amiăng trắng.

Cần cân nhắc việc cấm amiăng

Tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi một số nơi lấy ý kiến về “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. Nhiều Bộ, ngành đều bày tỏ ủng hộ dừng sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi ban hành chính sách này, Bộ cần có những đánh giá toàn diện hơn.

Là đơn vị đã có những theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe người lao động trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng và bệnh ung thư nghề nghiệp do phơi nhiễm với amiăng trắng, TS.BS. Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết: Kết quả khám sức khỏe định kỳ và quan trắc môi trường cho toàn ngành xây dựng, bao gồm các DN sản xuất tấm lợp trong các năm qua chưa phát hiện ra các trường hợp ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô do amiăng trắng. Với người lao động, tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi trong ngành sản xuất tấm lợp là 0,1 - 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với ngành nghề khác như sản xuất gạch, ngói, xi măng (tỷ lệ này khoảng 7,5%), bệnh bụi phổi do amiăng chưa có.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Lương Đức Long - Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - phân tích: Sử dụng sợi amiăng trong tấm lợp không độc hại, kể cả sau khi sử dụng xong cũng không độc hại. Vì về cấu trúc, sợi amiăng kết dính rất chặt với xi măng nằm trong tấm lợp, hạt bụi phát tán khỏi tấm fibro xi măng cũng không có sợi amiăng độc lập. Cần minh bạch trong khái niệm độc để cấm amiăng.

Vấn đề là kiểm soát sử dụng nguyên liệu amiăng trong sản xuất, sử dụng để an toàn cho người lao động và người dùng. Hiện tại, Việt Nam chưa có bằng chứng rõ ràng về độc hay bệnh tật ung thư phổi, ung thư trung biểu mô do amiăng trắng trong quá trình khám bệnh nghề nghiệp, trong các ca bệnh ung thư tại các đơn vị điều trị. Do đó, cần cân nhắc và minh bạch khi đưa ra quyết định cấm - PGS.TS. Lương Đức Long cho biết.

Cũng theo một nghiên cứu năm 2015 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu các DN chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) thì tổng chi phí lên tới 395 tỷ đồng. Để tháo dỡ và thay thế hàng tỷ mét vuông tấm lợp fibro xi măng đang được sử dụng, tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đồng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA giai đoạn 2021-2030.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018