Rà soát, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:10, 30/07/2023

(BKTO) - Xác định kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chú trọng tăng cường công tác này; đồng thời có đánh giá, đề xuất giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
f60ec2457941aa1ff350.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị cần có giải pháp để nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán. Ảnh: TL

Rà soát để có hướng xử lý triệt để với các kiến nghị tồn đọng

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc rà soát, phân loại các kiến nghị còn tồn đọng, theo Công văn số 1084/UBTCNS15 ngày 31/3/2023 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các đơn vị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã và đang tích cực triển khai nhiệm vụ này, đảm bảo tiến độ, chất lượng của nội dung báo cáo trước khi gửi Ủy ban.

Theo đánh giá của Vụ Tổng hợp, qua theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, về cơ bản các đơn vị được kiểm toán đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; nhiều đơn vị chủ động thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán trong quá trình kiểm toán hoặc ngay sau khi có kết luận và kiến nghị kiểm toán để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, kế toán.

Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 của KTNN trong năm 2023 (thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2023) về xử lý tài chính, xử lý khác cho thấy, một số đơn vị được kiểm toán đã chủ động thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính, kiến nghị khác ngay sau khi cuộc kiểm toán kết thúc.

Đến ngày 31/3/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác niên độ năm 2021 đã thực hiện là 3.062 tỷ đồng/71.586 tỷ đồng. Cùng với đó, các kiến nghị về cơ chế, chính sách vẫn đang được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho thấy còn một số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện nghiêm…

Do đó, tại cuộc họp bàn về công tác rà soát kết luận, kiến nghị kiểm toán diễn ra vừa qua, các ý kiến cũng cho rằng, thông qua công tác rà soát, một mặt nhằm phục vụ báo cáo gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; nhưng mặt khác, KTNN sẽ cùng với các địa phương, đơn vị được kiểm toán trao đổi, thống nhất số liệu, nguyên nhân của các kiến nghị chưa được thực hiện, từ đó nghiên cứu giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc ban hành hướng dẫn xử lý đối với các kiến nghị kiểm toán này do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Đề cập đến các kết luận, kiến nghị tồn đọng, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, đây là các kiến nghị kéo dài qua nhiều năm chưa thực hiện, nhiều đối tượng trong kiến nghị đến nay cũng không tồn tại. Để làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện, biện pháp xử lý, đơn vị cũng đã làm việc với các địa phương, đơn vị được kiểm toán về vấn đề này.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị

Tại các cuộc họp chỉ đạo liên quan đến công tác kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã yêu cầu các đơn vị phải bám sát định hướng chung của Ngành; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong đôn đốc, theo dõi để nâng cao chất lượng và hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Từ kết quả đạt được qua quá trình rà soát kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của toàn Ngành, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị hằng năm; kịp thời xem xét, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán để có giải pháp tháo gỡ.

“Trong quá trình kiểm tra thực hiện kiến nghị, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật” - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải, cùng với các giải pháp đồng bộ khác được thực hiện, khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được triển khai sâu rộng, trong đó có quy định xử phạt vi phạm liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác này. “Đây sẽ là hành lang, cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” - ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, ngoài sự chủ động, tích cực của địa phương còn đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ chính các đơn vị kiểm toán. Do đó, ngay từ khâu tổ chức thực hiện kiểm toán, các đoàn kiểm toán phải chú trọng đến chất lượng kiến nghị; đảm bảo các đánh giá, kết luận được đưa ra có tính khả thi, thuyết phục và đầy đủ bằng chứng. Các đơn vị chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm soát chất lượng đối với hoạt động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm./.

NGUYỄN LỘC