Châu Âu: Tăng cường giám sát để đảm bảo hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 21:03, 31/07/2023
Thiếu sót trong quản lý rủi ro tín dụng
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đánh giá khả năng các ngân hàng quản lý rủi ro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể đưa ra các yêu cầu bổ sung vốn đối với các ngân hàng để ứng phó với rủi ro đã xác định và áp dụng các biện pháp khắc phục để giảm thiểu rủi ro.
Quá trình này nhằm đảm bảo các ngân hàng tuân thủ yêu cầu thận trọng của EU và niềm tin vào các ngân hàng được đảm bảo. Gần đây, ECB đã cảnh báo rằng triển vọng của các ngân hàng đang xấu đi do môi trường kinh tế đầy thách thức, nhất là khi các cuộc khủng hoảng trong quá khứ đã chỉ ra rằng việc dự phòng dưới chuẩn có thể đe dọa khả năng tồn tại của các ngân hàng.
Mặc dù đã tăng cường công tác giám sát rủi ro tín dụng và các khoản vay của các ngân hàng, ECB vẫn không đưa ra các yêu cầu về tỷ lệ vốn dự phòng cao hơn một cách tương xứng đối với các ngân hàng có rủi ro cao hơn. ECB cũng không tăng cường các biện pháp giám sát đầy đủ khi các ngân hàng bộc lộ những khiếm khuyết dai dẳng trong quản lý rủi ro tín dụng.
Theo ECA, đánh giá của ECB về rủi ro tín dụng và kiểm soát của các ngân hàng nhìn chung có chất lượng tốt, mặc dù vẫn còn khiếm khuyết. ECB không sử dụng hiệu quả các công cụ và quyền hạn giám sát của mình để đảm bảo rằng các rủi ro đã xác định được bù đắp hoàn toàn bằng nguồn vốn bổ sung hoặc để hướng dẫn các ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn.
Cách tiếp cận mới được ECB áp dụng vào năm 2021 để xác định lượng vốn mà một ngân hàng phải nắm giữ vượt quá mức tối thiểu theo quy định đã không đảm bảo các rủi ro được bảo hiểm thích hợp và ECB đã không áp dụng phương pháp này một cách nhất quán. Cụ thể, ECB đã không đưa ra các yêu cầu cao hơn tương ứng khi các ngân hàng đối mặt với rủi ro cao hơn, nghĩa là rủi ro không liên quan rõ ràng đến yêu cầu được áp dụng.
Trên thực tế, các ngân hàng có rủi ro cao nhất thường lựa chọn đáp ứng ở mức cận dưới của ngưỡng yêu cầu được xác định trước đó. Hơn nữa, ECA nhận thấy bộ máy ECB không thực hiện đầy đủ các biện pháp giám sát khi rủi ro tín dụng cao và kéo dài, đồng thời các khiếm khuyết trong kiểm soát vẫn tồn tại.
Cần tăng cường việc giám sát các ngân hàng
Tòa Thẩm kế châu Âu cho biết, việc thiếu nhân viên làm việc về giám sát ngân hàng ở ECB, ở các cơ quan giám sát quốc gia và độ dài của chu kỳ giám sát năm 2021 có thể dẫn đến các đánh giá thiếu cập nhật.
Báo cáo kiểm toán ghi nhận, kể từ năm 2015, các khoản nợ xấu cũ (những khoản nợ từ trước tháng 4/2018) đã giảm xuống nhờ hành động của ECB và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, ECB đã không sử dụng quyền hạn giám sát một cách có hệ thống khi các ngân hàng không có quy trình, dữ liệu hợp lý để xác định và đo lường các khoản nợ xấu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Tòa Thẩm kế châu Âu khuyến nghị ECB cần tăng cường công tác đánh giá rủi ro của các ngân hàng; hợp lý hóa quy trình xem xét và đánh giá giám sát; áp dụng các biện pháp giám sát để đảm bảo tốt hơn mức độ phù hợp và quản lý rủi ro của các ngân hàng.
ECB giám sát khoảng 110 ngân hàng lớn tại 21 quốc gia EU. Hàng năm, ECB đánh giá rủi ro về mức rủi ro tín dụng, quản trị tổ chức, mô hình kinh doanh và khả năng thanh khoản, đồng thời, cũng đánh giá khả năng ngân hàng quản lý những rủi ro đó.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, để tránh ngân hàng bị phá sản do quản lý rủi ro tín dụng kém, ECB cần đảm bảo các ngân hàng quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả hơn. Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng cần củng cố niềm tin của khách hàng trong điều kiện kinh tế đầy thách thức hiện nay.
Tòa Thẩm kế kết luận, ECB phải tăng cường giám sát hơn nữa để đảm bảo các ngân hàng quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng, đặc biệt trong tình huống những người vay không trả được nợ, bởi việc các ngân hàng quản lý rủi ro tín dụng kém có thể làm suy yếu khả năng tồn tại của chính họ và toàn bộ hệ thống tài chính./.
(Theo ECA và tổng hợp)