Cà Mau muốn liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi ngành tôm

Kinh tế - Ngày đăng : 12:30, 01/08/2023

(BKTO) – Cà Mau là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản chiếm 82%, riêng mặt hàng tôm chiếm 72% (gần 1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 23,3% cả nước.
bai-tom-2.jpg
Kinh tế thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau, trong đó tôm nuôi tạo ra giá trị lớn nhất. Ảnh: baocamau

Nâng chất lượng, tăng giá trị xuất khẩu

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau - cho biết, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Cà Mau là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm với hơn 270ha trong tổng số 700 nghìn ha diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước.

Nhiều vùng nuôi tôm của Cà Mau đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; hầu hết các nhà máy chế biến thuỷ sản có thiết bị, công nghệ đạt chuẩn quốc tế.

Đến nay, các sản phẩm thủy sản của Cà Mau đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản chiếm 82%, riêng mặt hàng tôm chiếm 72% (gần 1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 23,3% cả nước).

Dự kiến, từ ngày 13-16/12/2023, Cà Mau sẽ tổ chức Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để phản ánh những giá trị, đặc trưng về đời sống, văn hóa của miền Tây Nam Bộ và vùng đất Cà Mau; quảng bá, giới thiệu tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam nói chung và của Cà Mau nói riêng; góp phần kết nối giao thương trong nước và xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản.

Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng, song Cà Mau quyết tâm xây dựng các vùng nuôi tôm theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất, phát triển diện tích nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế.

Cà Mau cũng mong muốn liên kết chặt chẽ với các cộng đồng doanh nghiệp liên quan xây dựng liên kết chuỗi ngành tôm từ cung ứng đầu vào đến phân phối sản phẩm đầu ra.

Cà Mau đang dần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản...

Triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp thuỷ sản Cà Mau và các nước

bai-tom-1.jpg
Đoàn chuyên gia và nhà mua của Shrimp Summit 2023 tham quan dây chuyền tiếp nhận và xử lý tôm sú trước khi chế biến tại Công ty Camimex. Ảnh: baocamau

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ngành tôm toàn cầu 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Shrimp Summit 2023) vừa diễn ra, đoàn chuyên gia và nhà mua của Shrimp Summit 2023 đã dự Hội nghị kết nối, gặp gỡ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Dự Hội nghị có đoàn chuyên gia, doanh nghiệp đến từ các quốc gia: Bangladesh, Bỉ, Anh, Trung Quốc, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mozambique, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Mỹ.

Tiến sĩ George Chamberlain - Chủ tịch Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS) của Hoa Kỳ, Trưởng đoàn công tác – nhận định: Tiềm năng để phát triển thị trường tôm của Cà Mau rất lớn. Cà Mau đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng đang học hỏi quy trình bảo quản tôm của Cà Mau.

Sau khi nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm, TCRS thấy rằng, Cà Mau rất nghiêm túc với hình thức nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, mang lại những giá trị lớn.

Chính vì vậy, đây là lúc các bên cần hợp tác, đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những điều còn hạn chế - Tiến sĩ George Chamberlain cho biết.

Ông Lê Văn Sử hy vọng, thông qua chuyến tham quan, khảo sát và thảo luận tại Hội nghị, các doanh nghiệp hiểu được quy trình sản xuất sản phẩm tôm của Cà Mau và định hướng trong tương lai, từ đó sẽ có những quyết định quan trọng trong hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Cà Mau cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ là cầu nối, giới thiệu vùng đất, con người, doanh nghiệp, sản phẩm của Cà Mau đến với bạn bè, người thân và đối tác trong thời gian tới./.

MINH ANH