Tận dụng ưu thế của mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Địa phương - Ngày đăng : 22:20, 31/07/2023
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và Luật Thủ đô (sửa đổi)
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: 6 tháng đầu năm, Hội Luật gia Thành phố đã tổ chức 30 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Việc tuyên truyền chính sách pháp luật từ cấp Thành phố đến quận huyện được thực hiện nhằm phổ biến các chính sách lớn như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi)… Ngoài ra, Hội Luật gia Thành phố đã tham gia 5 cuộc hội nghị do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức để góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về phía Đoàn Luật sư Thành phố, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, Đoàn đã tổ chức 12 buổi hội nghị truyên truyền, phổ biến về dự án đường Vành đai 4 tại các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Đan Phượng… Qua đó, nắm bắt tâm tư của người dân, đưa việc tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền, PBGDPL triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, ngày càng thu hút được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tham gia.
Bên cạnh thực hiện hình thức PBGDPL truyền thống, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tiếp tục được đẩy mạnh, sử dụng nhiều ứng dụng mới để tuyên truyền theo phương thức hiện đại như Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, chuyển tải dưới hình thức infographic, video điện tử, mạng xã hội, fanpage, màn hình Led, qua thiết bị điện tử tại nhà chung cư, khu đô thị, tin nhắn điện tử, thư điện tử...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên toàn Thành phố. Đồng thời, triển khai Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” và Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND Thành phố.
Từng thành viên Hội đồng phát huy trách nhiệm hơn nữa trong tư vấn, tham mưu về công tác PBGDPL tại các sở, ban, ngành; định hướng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng giai đoạn trong thời gian tới. Triển khai các Kế hoạch, Chương trình, Đề án PBGDPL được Trung ương và Thanh phố ban hành. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL.
Đặc biệt, cần khai thác các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Tổ chức triển khai vận hành Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các báo, đài; quan tâm phổ biến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề nóng trong xã hội; phổ biến pháp luật giao thông, môi trường và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị, các quy định cải cách hành chính.
Ngoài ra, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố chủ động triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội./.
Ngày 01/8, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm đại diện của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương...
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.