Đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp và 46 cụm công nghiệp mới

Địa phương - Ngày đăng : 13:43, 01/08/2023

(BKTO) - Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp, như vậy, tổng diện tích các khu công nghiệp thành lập mới trong thời kỳ 2021-2030 sẽ gấp 1,3 lần diện tích hiện nay.
kcn-nam-dinh.jpg
Dự kiến đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp. Ảnh: TS

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 10 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích 2.046ha. Dự kiến đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp; đến năm 2050, tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721ha.

Bên cạnh đó, dự kiến tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là 49 cụm công nghiệp (46 cụm công nghiệp mới, mở rộng 3 cụm công nghiệp đã có) với tổng diện tích khoảng 5.969ha; giai đoạn 2031-2050 mở rộng một số cụm công nghiệp, nâng tổng diện tích cụm công nghiệp lên 8.703ha, gấp hơn 5 lần diện tích hiện nay.

Cũng theo Quy hoạch, Nam Định tiếp tục duy trì các lĩnh vực truyền thống như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, gia công kim loại, chế biến gỗ, công nghiệp thực phẩm, đồ uống… Đồng thời, tỉnh định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới như: Luyện thép, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản và dược liệu.

Đặc biệt, công nghiệp năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, các nguồn năng lượng xanh không gây ô nhiễm) cũng là lĩnh vực mà Nam Định có rất nhiều tiềm năng. Tỉnh sẽ từng bước phát triển nguồn năng lượng sinh khối, với mục tiêu tận dụng các nguồn phế thải của nông nghiệp, làm sạch môi trường, tận dụng chi phí, từng bước hình thành nền kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, Nam Định tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bản sắc rõ ràng... nhằm đảm bảo các nguyên tắc: Gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung có phân tán, phù hợp với môi trường và an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo phát triển ổn định và bền vững…

Việc thực hiện Kế hoạch phát triển này thành công sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định là cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và là điểm kết nối giao thương hàng hóa dịch vụ, văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại./.

PHƯƠNG LAN