Xuất khẩu lâm, thủy sản đồng loạt giảm

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:00, 02/08/2023

(BKTO) - Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%.
xk_thuy_san_qztw.jpg
Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Cụ thể, trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 800 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai mặt hàng xuất chính là tôm và cá tra đều thấp hơn so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến nhập khẩu và một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác.

Cùng đà giảm, xuất khẩu lâm sản tháng 7 chỉ đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, xuất khẩu lâm sản đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đồng nghĩa với việc ngành lâm sản rất khó để đạt được mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD như kế hoạch đề ra cho năm 2023. 

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu lâm, thủy sản đề ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường thực hiện nhiều giải pháp.

Về thủy sản, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển, kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác hải sản bất hợp pháp. 

Về lâm nghiệp, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản; cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... 

Về đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu.

Các ngành chức năng, địa phương tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. 

Năm 2022, ngành NN&PTNT đã đạt được mức tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu đặt ra; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,53 tỷ USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, duy trì trong Top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ngành thủy sản cũng đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 đến nay, cùng với khó khăn chung của các ngành, lĩnh vực, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm nhiều so với cùng kỳ. Sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn; các thị trường xuất khẩu bị co hẹp.

Trước tình hình xuất khẩu lâm, thủy sản - hai lĩnh vực chủ lực của ngành NN&PTNT gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, chức năng quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, thuế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản../.

N.LỘC