Giải bài toán tăng trưởng
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:41, 03/08/2023
“Khôn ngoan không lại với Trời”, giỏi giang không lại với chu kỳ kinh tế! Chưa thấy các nhà nghiên cứu nói nhiều về chu kỳ đi xuống của nền kinh tế, thế nhưng chắc chắn là nó đang không ở trong chu kỳ đi lên. Mà như vậy thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 này là rất cao và đạt được nó là hoàn toàn không dễ. Mức tăng trưởng cho 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt được 3,72% cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Để đạt được tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023, thì mức tăng trưởng của 6 tháng cuối năm sẽ phải là 9%. Đây là một mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ vẫn đang cố gắng thúc đẩy mọi việc để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng nói trên. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã có một loạt các phản ứng chính sách nhằm kích hoạt hơn nữa cả 3 động lực của tăng trưởng kinh tế là: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Ở đây, đã có sự kết hợp khá chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Khoảng không gian cho những chính sách tài khóa là khá rộng. Nhiều chuyên gia cho rằng, so với trần nợ công mà Quốc hội cho phép, thì Chính phủ vẫn còn có thể huy động hàng triệu tỷ đồng để tăng cường đầu tư công. Đây quả thực là công việc đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy. Ngoài ra, tăng cường đầu tư công là một việc, tăng cường giải ngân đầu tư công lại là một việc khác. Cái thật sự tác động lên tăng trưởng kinh tế là việc đầu tư công được giải ngân kịp thời và có chất lượng. Điều đáng phấn khởi là tỷ lệ giải ngân đầu tư công đang được cải thiện rất nhiều.
Cũng liên quan đến chính sách tài khóa, việc giảm, hoãn thuế, phí, tiền cho thuê đất vẫn đang tiếp tục được triển khai. Việc này chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của thời kỳ hậu Covid-19 và suy giảm kinh tế. Đặc biệt có ý nghĩa là việc cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua. Thuế giá trị gia tăng giảm chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cả ba động lực tăng trưởng kể cả xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Chính sách tiền tệ cũng đã được nới lỏng một cách linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với phản ứng chính sách này, việc tiếp cận tín dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn, và tín dụng cũng trở nên rẻ hơn. Điều này chắc chắn cũng tác động tích cực lên cả ba động lực tăng trưởng là: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Các phản ứng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói trên là mạch lạc và đúng hướng. Vấn đề còn lại là năng lực thực thi chính sách. Năng lực này nói chung vẫn còn đang khá thấp. Sẽ còn cần phải thúc đẩy một loạt các cải cách liên quan đến hành chính - công vụ để nâng cao năng lực thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, trước mắt cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và áp đặt chế độ trách nhiệm công vụ một cách rõ ràng, chặt chẽ.
Liên quan đến xuất khẩu, xuất khẩu đang gặp không ít khó khăn do cầu của thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, không phải cầu về thứ gì cũng giảm. Có vẻ như cầu về lương thực và một số sản phẩm nông nghiệp thì vẫn tăng. Vấn đề là chúng ta phải biết tái phân bổ các nguồn lực đủ nhanh để kịp thời sản xuất ra những hàng hóa mà thị trường thế giới đang cần.
Cuối cùng, đầu tư công vẫn là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Lý do là vì không gian chính sách cho đầu tư công còn rất lớn; đầu tư công sẽ giúp nâng tổng cầu của nền kinh tế nhờ đó năng lực hấp thụ vốn sẽ được cải thiện; đầu tư công sẽ giúp giải quyết việc làm cho người lao động nhờ đó tiêu dùng cũng sẽ được thúc đẩy. Tất nhiên, đầu tư công cần phải tập trung cho các cơ sở hạ tầng cần thiết để nền kinh tế có thể cất cánh và đất nước có thể phát triển bền vững./.