Gỡ vướng nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Kinh tế - Ngày đăng : 13:53, 03/08/2023

(BKTO) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), sau nửa năm thi công, giá trị sản lượng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 phải đạt 10%).
11.jpg
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh đang được thi công. Ảnh: ST

Vật liệu xây dựng - “nút thắt” cản trở tiến độ thi công và giải ngân

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được khởi công từ ngày 01/01/2023, tính đến ngày 30/6/2023, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%).

Một trong những “nút thắt” cản trở tiến độ thi công và giải ngân vốn tại Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là nguồn cung VLXD. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 do Bộ GTVT chủ trì vừa có Văn bản số 7649/BGTVT-CQLXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc với các địa phương. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu tới hết tháng 6/2023, tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải đạt khoảng 10% giá trị hợp đồng, nhưng thực tế tới nay chậm tiến độ 5% so với yêu cầu, nguyên nhân là do gặp khó về nguồn VLXD.

Cụ thể, với các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 49 triệu m3 vật liệu đất; trên 9,6 triệu m3 cát, trong đó có 82 mỏ đang khai thác, còn 16 mỏ chưa được cấp phép khai thác. “Khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới rất lớn, chủ yếu để san nền, xử lý lún, nhưng thủ tục khai thác mỏ mới đang chậm. Mùa mưa đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch thi công của các nhà thầu” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay.

Với mỏ đất, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến nay các nhà thầu đã trình địa phương 55/71 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, tổng trữ lượng hơn 53 triệu m3. Các địa phương đã xác nhận đăng ký cho 26 mỏ, với trữ lượng khai thác mới đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu.

Tuy nhiên, thực tế các nhà thầu mới khai thác được đất tại 9 mỏ, những mỏ đất còn lại vẫn vướng việc đàm phán giá chuyển nhượng với chủ đất, một số mỏ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Với các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cần khoảng 1,3 triệu m3 đá, hơn 1,7 triệu m3 đất, và hơn 18 triệu m3 cát để đắp nền đường.

Cần đẩy nhanh thủ tục nâng công suất, cấp phép khai thác các mỏ mới

Từ thực tế làm việc với địa phương, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) để cho phép các địa phương được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép. Tiến độ cấp phép các mỏ đất, cát đã đủ hồ sơ phải xong trong tháng 8, các mỏ còn lại trước tháng 10 năm nay để đáp ứng tiến độ thi công; chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh thủ tục nâng công suất, cấp phép khai thác các mỏ đất, cát mới, tránh phát sinh thêm thủ tục so với quy định.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác VLXD bảo đảm tuân thủ hướng dẫn của Bộ TNMT (bao gồm cả các thủ tục về đất đai); phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu ngay trong giai đoạn lập, trình hồ sơ để sớm hoàn thiện thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, hoàn thiện thủ tục đất đai khu vực mỏ theo thẩm quyền, bảo đảm đủ điều kiện khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu năm 2023 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023.

Khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở TNMT, căn cứ các hướng dẫn của Bộ TNMT để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác…

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu: Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua cần có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng VLXD cho các dự án. Khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ VLXD thông thường đang khai thác. Đồng thời, không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư; khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công…/.

Theo Văn bản số 7649/BGTVT-CQLXD của Bộ GTVT, các khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được các địa phương quy hoạch, đưa vào Hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ Dự án. Tuy nhiên, một số địa phương chưa chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nên sau khi được giao mỏ phải mất thêm nhiều thời gian các nhà thầu mới có thể khai thác được.

LÊ HÒA