Hướng đến nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:24, 03/08/2023
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Lê Quang Mạnh và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS: Nguyễn Hữu Toàn, Nguyễn Vân Chi, Nguyễn Thị Phú Hà, Vũ Thị Lưu Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban TCNS Lê Minh Nam và các bộ phận có liên quan.
Về phía KTNN, tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN và các bộ phận có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, để chuẩn bị cho Phiên giải trình, Ban cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo thông tin, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, cập nhật đến 31/3/2023 theo yêu cầu của Ủy ban TCNS.
Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban TCNS để trao đổi, hoàn thiện báo cáo của KTNN và các thông tin cần chuẩn bị bổ sung. Đến nay, Dự thảo Báo cáo của KTNN đã hoàn thành.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, qua theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội cho thấy, về cơ bản các đơn vị được kiểm toán đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện đến 31/3/2023 cho thấy, các nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị gồm: nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chiếm 56%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,1%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ ba chiếm 15,7%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 26,2%.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1079/KH-UBTCNS15 về việc tổ chức Phiên giải trình, Ủy ban TCNS đã có các công văn gửi KTNN, các Bộ, ngành, địa phương (tổng số 214 đầu mối) yêu cầu báo cáo, chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên giải trình. Đến ngày 02/8/2023, Ủy ban đã nhận được báo cáo của 195 đơn vị, còn lại 19 đơn vị chưa có báo cáo.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, qua rà soát, đối chiếu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và Dự thảo Báo cáo của KTNN cho thấy, số kết luận, kiến nghị của KTNN và đề nghị xử lý tài chính, xử lý khác, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Trong thời gian qua, KTNN đã tích cực đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, tổng thể quy mô và số lượng kết luận, kiến nghị lũy kế chưa thực hiện đến 31/3/2023 còn cao. Các kết luận, kiến nghị chưa thực hiện còn rất nhiều, đa dạng, liên quan đến hầu hết các Bộ, ngành, địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thống nhất về cách thức tổ chức, nội dung, phạm vi, quy mô tổ chức Phiên giải trình. Các đại biểu cho rằng, nội dung của Phiên giải trình cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm về thực trạng thực hiện kiến nghị kiểm toán, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh chủ trương tổ chức Phiên giải trình, thể hiện việc tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.
Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung, cách thức, phạm vi, đối tượng, thời gian tổ chức Phiên giải trình, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tạo được dấu ấn.
Sau phiên giải trình phải chỉ ra được một số vấn đề tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân, bản chất vấn đề để giải quyết triệt để các kiến nghị kiểm toán cũng như có giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh đề nghị hai cơ quan nghiêm túc triển khai theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội để chuẩn bị thật tốt cho Phiên giải trình, bởi đây là vấn đề công luận, báo chí rất quan tâm.
Theo đó, hai cơ quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng thể về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đề nghị KTNN tiếp tục rà soát để hoàn thiện, thống nhất về số liệu báo cáo.
Về nội dung của Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS đề nghị lựa chọn một số điểm nổi bật về cơ chế chính sách để sau khi giải trình có kết luận, kiến nghị cụ thể đến từng cơ quan. Đồng thời, việc phân tích các nguyên nhân cũng là thông tin đầu vào rất quan trọng để KTNN nâng cao chất lượng kiểm toán.
Trên cơ sở nội dung buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: KTNN sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cũng như bám sát yêu cầu, nội dung công tác theo kế hoạch đã được Ủy ban TCNS gửi theo Công văn số 1085/UBTCNS15 ngày 31/3/2023.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của KTNN tập trung rà soát kỹ các kiến nghị kiểm toán; trong đó cần làm rõ căn cứ đưa ra kiến nghị, khả năng triển khai, giải pháp thực hiện. Các đơn vị trong toàn Ngành cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 để khẩn trương triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả cao.
Dự kiến, Phiên giải trình sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới./.