dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1: Chậm tiến độ thực hiện, chưa tuân thủ đúng các quy định về đầu tư, xây dựng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:25, 02/08/2018

(BKTO) - Thực hiện Quyết định số 1422/QĐ-KTNN ngày 26/9/2017 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 (Dự án), KTNN đã tiến hành kiểm toán Dự án từ ngày 03/10/2017 đến ngày 28/11/2017.


Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã cơ bản chấp hành các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các Nghị định của Chính phủ về quản lý dự án, chi phí, chất lượng trong công tác đầu tư xây dựng công trình và các văn bản sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung quy chế quản lý đầu tư và xây dựng do Nhà nước ban hành qua các thời kỳ. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt và thực hiện Dự án vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Theo KTNN, phương án tài chính của Dự án được Bộ Công Thương duyệt chưa phân tích độ nhạy khi tính toán các phương án nhằm đánh giá các trường hợp rủi ro xảy ra đối với nhà đầu tư sau khi thực hiện Dự án. Điều này chưa đúng với hướng dẫn tại Điều 9, Quyết định số 2014/QĐ-BCN ngày 13/6/2007 của Bộ Công nghiệp (cũ) về quy định tạm thời nội dung tính toán phân tích kinh tế, tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện các dự án nguồn điện.

Công tác khảo sát địa chất chưa lường hết mức độ phức tạp của khu vực nền đất yếu bên dưới công trình dẫn đến quá trình thi công phải phê duyệt phát sinh bổ sung dự toán công tác xử lý móng cọc chung cư A và B với giá trị gần 2,2 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ ra rằng, dự toán giá Gói thầu EPC cho Tổ máy 2 được phê duyệt với giá trị 3.296,2 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đấu thầu đợt 3 Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn xác định trên cơ sở giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh còn thiếu cơ sở. Cụ thể, khối lượng công việc xây dựng, hệ thống thiết bị dùng chung được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị công việc xây dựng, thiết bị lắp đặt của Tổ máy 1 là chưa đúng quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 hướng dẫn phương pháp lập tổng mức đầu tư của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá Gói thầu EPC Tổ máy 1 mà không tiến hành các thủ tục điều chỉnh Kế hoạch đấu thầu là chưa phù hợp với Nghị định số 88/1999/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Quy chế đấu thầu, nhưng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt kết quả đấu thầu theo Văn bản số 1113/TTg-CN ngày 10/8/2005. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu khai thác cát và san lấp mặt bằng Lai Vung không có giấy phép khai thác cát đủ trữ lượng (900.000 m3) là không đúng với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC - Tổ máy 2, một số thiết bị phụ trợ có thay đổi nhà cung cấp, xuất xứ so với Hợp đồng. Kết quả kiểm tra hồ sơ do Ban Quản lý Dự án cung cấp cho thấy, nguyên nhân chính của việc thay đổi nhà cung cấp, xuất xứ là do các nhà cung cấp theo Hợp đồng cung cấp sản phẩm không đảm bảo thông số kỹ thuật, thời gian cung cấp kéo dài, không đảm bảo tiến độ, cung cấp thiếu số lượng và không trả lời các yêu cầu của nhà thầu chính… Do đó, để đảm bảo chất lượng và tiến độ của Hợp đồng, nhà thầu chính phải xem xét và đệ trình các nhà thầu phụ mới thay thế, bổ sung cho các nhà thầu ban đầu. Đến thời điểm kiểm toán, mặc dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án và nhà thầu chưa tiến hành thương thảo, điều chỉnh đơn giá để làm cơ sở quyết toán. Đến ngày 28/12/2017, Ban Quản lý Dự án mới phối hợp với tổng thầu thi công tổ chức thương thảo, điều chỉnh giá Hợp đồng.

Về tiến độ thực hiện Dự án, KTNN nêu rõ tiến độ chung của Dự án đã chậm 12 năm so với Quyết định phê duyệt Dự án số 588/QĐ-TTg (kế hoạch là cuối năm 2013 phát điện, nhưng thực tế tháng 02/2009 Tổ máy 1 mới đưa vào vận hành và tháng 11/2015 mới đưa vào vận hành Tổ máy 2). Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do Dự án được triển khai từ tháng 9/1998 nhưng do khủng hoảng tài chính khu vực, đến cuối năm 2000 mới thu xếp được vốn vay JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản). Hơn nữa, thời gian đầu, nhà tài trợ chỉ đồng ý cho vay 1 tổ máy 300 MW, do đó phải điều chỉnh lại hồ sơ mời thầu, phê duyệt bổ sung hồ sơ thiết kế; quá trình xét thầu, đánh giá bản chào kỹ thuật kéo dài qua các chủ thể tham gia như: Ban Quản lý Dự án, chủ đầu tư, đơn vị chủ quản và JICA.

Đánh giá về việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán, KTNN nêu rõ, cơ cấu nguồn vốn chưa được phân khai cụ thể tại Quyết định đầu tư Dự án nhưng đã được phân tích tại Bảng phân tích tài chính của Dự án, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có sai lệch so với kế hoạch đề ra.

Tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Ban Quản lý Dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn xử lý về tài chính theo kết quả kiểm toán 138,3 tỷ đồng. Trong đó, nộp NSNN số thuế nộp thay nhà thầu 16,1 tỷ đồng (gồm thuế Thu nhập DN 7,95 tỷ đồng và thuế Giá trị gia tăng 8,15 tỷ đồng); thu hồi nộp Tổng công ty Phát điện 2 số tiền gần 228 triệu đồng và xử lý khác gần 122 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán do chưa thương thảo, điều chỉnh giá (Hợp đồng EPC - Tổ máy 2).

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018