Phấn đấu vì một châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:00, 06/08/2023
Trong chuyến thăm chính thức Indonesia, chiều 05/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu tại Diễn đàn chính sách đối ngoại được tổ chức tại Viện Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia - Trung tâm Nghiên cứu chính sách hàng đầu của Indonesia và khu vực.
Chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững
... Chia sẻ về bối cảnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, song cạnh tranh, phân tách chiến lược, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn lại gia tăng đang tác động đến nhiều lĩnh vực.
Để gìn giữ bầu trời hòa bình trong xanh, môi trường yên bình, thịnh vượng cho mai sau, mọi quốc gia cần chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững; kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân; đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Điều này là phù hợp với tinh thần của Hội nghị Bandung năm 1955 với 10 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, với các giá trị nền tảng về tôn trọng độc lập, chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, nêu cao công lý, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác khu vực.
Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh vì độc lập, tự do, bình đẳng ở Bandung. Ngày nay, ngọn đuốc ấy và tinh thần Bandung cao quý đó vẫn soi sáng cho tất cả chúng ta trên hành trình phát triển.
Khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực phát triển cộng đồng ASEAN
Với khu vực ASEAN, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trải qua gần 6 thập niên hình thành và phát triển, ASEAN chưa bao giờ ở vị thế tốt như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Vì vậy, ASEAN phải mạnh để tự lực, tự cường.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ASEAN cần định vị lại, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển Cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lấy 3 “Thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo.
Đó là, thống nhất trong giữ vững nguyên tắc, thể hiện ở việc giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Theo đó, một “ASEAN tầm vóc” phải kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào.
Thống nhất trong duy trì đồng thuận, thể hiện ở việc ASEAN duy trì đồng thuận trong các vấn đề an ninh, phát triển quan trọng của khu vực, cùng nhau bảo vệ lập trường, quan điểm chung của ASEAN theo “phương cách ASEAN”, Hiến chương ASEAN…
Thống nhất trong xây dựng cộng đồng, thể hiện ở việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu và vừa là động lực của tiến trình xây dựng cộng đồng.
Trước những diễn biến phức tạp, gây nguy cơ căng thẳng gần đây ở Biển Đông, cần đoàn kết kiên trì thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS).
ASEAN cần thống nhất kiên định mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ “Đồng thuận 5 điểm”. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tích cực, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu khi thăm Indonesia: “Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong một thế giới đầy biến động, có một điều bất biến với Việt Nam là tinh thần “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” trong đường lối chính sách đối ngoại. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.
Các Nghị viện có vai trò hết sức quan trọng với chức năng lập pháp, giám sát tối cao và tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực, tăng cường kết nối với người dân, qua đó phối hợp, hỗ trợ Chính phủ các nước xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Việt Nam xác định ngoại giao nghị viện đóng vai trò hết sức quan trọng, phát huy sức mạnh mềm để góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác. Trong khuôn khổ các tổ chức đa phương liên nghị viện như AIPA, APPF, IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Việt Nam luôn tham gia tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến về bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng và nguồn nước.
Đặc biệt trong ASEAN, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng, đồng hành và có nhiều dấu ấn, đóng góp nổi bật vào các cơ chế hợp tác, điển hình là Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN.