10 giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:51, 05/08/2023
10 nhóm giải pháp được ThS. Trần Đức Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, KTNN và ThS. Trần Ngọc An - KTNN chuyên ngành II - đề xuất là:
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN.
Xây dựng quy chế đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao làm cơ sở để đánh giá, xếp loại nguồn nhân lực.
Hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức, kiểm toán viên.
Tổ chức các hoạt động sơ kết, rút kinh nghiệm quá trình triển khai quy định về đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN để tiến hành bổ sung, sửa đổi.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để xây dựng Học viện Kiểm toán khi thích hợp.
Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng mô hình điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu thông qua việc số hóa dữ liệu và xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu của KTNN phục vụ công tác phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng hạ tầng ứng dụng, trong đó tập trung phát triển những phương pháp chuyên biệt cho việc phân tích và khai thác dữ liệu lớn.
Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Ban Đề tài kiến nghị Quốc hội khi chỉ đạo xây dựng để sửa đổi, bổ sung, tiến tới ban hành Luật KTNN bổ sung và sửa đổi, cần chỉ đạo cơ quan xây dựng Luật tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan KTNN; thông qua các Đề án về thành lập, nâng cấp các đơn vị trực thuộc KTNN và tiến tới mục tiêu giao biên chế 2.700 người theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; giai đoạn sau năm 2030 tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và biên chế để thực hiện tăng cường năng lực kiểm toán; bổ sung chức năng nhiệm vụ kiểm toán trách nhiệm kinh tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Luật Công nghệ thông tin 2006 cần được điều chỉnh bổ sung để cập nhật những thay đổi của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong đó quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ KTNN và với Chính phủ, các Bộ, ngành và đơn vị được kiểm toán.
Xây dựng và ban hành Luật Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn.
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 325/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức KTNN phù hợp với đặc thù hoạt động kiểm toán.
Ban Đề tài cũng kiến nghị các cơ quan của Chính phủ đồng bộ cơ sở dữ liệu của KTNN với hạ tầng dữ liệu quốc gia, trong đó chú trọng kết nối cơ sở dữ liệu của KTNN với các cơ sở dữ liệu quan trọng về tài chính quốc gia (thuế, hải quan, kho bạc) và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm.
Đồng thời, các cơ quan của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về bố trí ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và công nghệ thông tin, tạo điều kiện để KTNN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN.
Nâng cao chất lượng đào tạo kiểm toán của các trường đại học theo hướng đổi mới quản lý đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kiểm toán trong các trường đại học.
Tại Hội thảo khoa học lấy ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện Đề tài, các đại biểu đồng tình và thống nhất cao về sự cần thiết của Đề tài, đánh giá cao về phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng (sử dụng bảng hỏi, mô hình kinh tế lượng), nội dung của Đề tài phù hợp với vấn đề quản lý nguồn nhân lực của KTNN trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Đề tài, các đại biểu đã góp ý để Ban chủ nhiệm Đề tài đánh giá cụ thể, chi tiết nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN gắn với bối cảnh công nghệ 4.0.
Ban Đề tài cần khảo sát kỹ năng, trình độ ứng dụng phần mềm công nghệ trong kiểm toán để tìm ra những nguyên nhân, hạn chế và biện pháp khắc phục.
Đồng thời phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng cũng như công tác quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu công nghệ…
Ban chủ nhiệm Đề tài đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu, hoàn thiện Đề tài đúng thời hạn./.