Làm rõ kết quả nổi bật của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 08:17, 06/08/2023
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ LĐ-TB&XH làm rõ kết quả nổi bật của Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững.
Trong đó, cần làm rõ khó khăn, hạn chế, tồn tại cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững có liên quan đến 2 Chương trình còn lại, đánh giá lại tính thực chất và tính bền vững, chỉ tiêu nghèo đa chiều đã phù hợp chưa, tại sao thời gian qua hộ cận nghèo tăng lên, nguyên nhân của tình trạng này…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo một số vấn đề quan tâm liên quan đến việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Bộ LĐ-TB&XH; nghe đại diện Bộ LĐ-TB&XH báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thảo luận tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tổ Công tác và Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu; nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, nhiều văn bản của 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp trung ương và địa phương, do đó việc triển khai thực hiện còn có hạn chế, nhất là các quy định tại Nghị định 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các CTMTQG.
Báo cáo cho thấy, nguồn vốn từ ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình. Đến năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác tuy đã bố trí song tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch vốn quy định tại Nghị quyết số 24/2021/QH15.
Đoàn giám sát đề nghị cần sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn này đạt kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá, làm rõ hơn hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo địa phương của các CTMTQG trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các CTMTQG; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện 3 Chương trình…
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến ngày 30/6/2022 có những văn bản nào liên quan đến giảm nghèo bền vững chưa được ban hành ở các Bộ, ngành ở Trung ương và đến ngày 15/6/2023 còn những văn bản nào chưa được sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Đại biểu cũng đề nghị Bộ làm rõ thêm về tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian qua biến động như thế nào; đồng thời cho biết nguyên nhân nào để đạt được các chỉ tiêu về giảm nghèo cũng như các giải pháp để giải ngân hết số vốn giai đoạn 2021-2023.
“Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm thông tin về tình hình vốn đối ứng của các địa phương và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác cho CTMTQG giảm nghèo bền vững”- đại biểu Tiến đề nghị.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm như về tính bền vững của CTMTQG giảm nghèo, về nguồn vốn, về tình trạng manh mún, đầu tư dàn trải, phân tán…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như trong việc trả lời Công điện 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, kết quả giảm nghèo nhanh - đây là kết quả đạt được mà nhân dân đồng tình và Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cần làm rõ những điểm sáng nổi bật trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, làm rõ một số tồn tại, hạn chế cơ bản của Chương trình như: tình trạng cào bằng, đầu tư manh mún, dàn trải, tình trạng “giấy phép con,” cát cứ, việc phối hợp với các Bộ, ngành chưa đồng bộ, khó huy động vốn đối ứng, tính bền vững của Chương trình…